Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Youtube : 120 ẢNH "SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ"

                                        

Tổng hợp diễn biến và nhận định vụ "Sát thủ đầu mưng mủ"



 

Phần 1. Diễn biến hiện tại

 

Mới đây, cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" của tác giả Thành Phong (www.facebook.com/fong210) đã được công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Mỹ thuật phát hành. Đây là một cuốn sách giải trí, có nội dung là các câu nói hài, câu đùa vốn được truyền khẩu trên mạng, thể hiện bằng những bức vẽ minh họa vui của tác giả. Cuốn sách tranh 200 trang này có giá bìa 45000 đ/quyển. 

Tuy nhiên, giống như hầu hết các đầu sách khác lưu hành tại Việt Nam, ngay khi vừa xuất xưởng, bên cạnh những bản in chính thức bán trong các hiệu sách, lập tức trên thị trường đã bán nhan nhản những bản in lậu loại 1 (in đúng chất lượng vượt số lượng đăng ký phát hành rồi tuồn ra ngoài) cũng như loại n [đối tượng in lậu mua sách gốc về sao chụp (scan) rồi in lại ---> chất lượng kém hơn]. Và cũng gần như ngay lập tức, đã có một số người sau khi mua sách đã sao chụp rồi lập thành sách điện tử đăng trọn bộ lên mạng.

 

Trước hành động xâm phạm bản quyền một cách trắng trợn này, tác giả đã có lời phát biểu chính thức của mình bằng bộ tranh "gửi bạn ăn cắp" (www.facebook.com/media/set/?set=a.10150348431893821.358457.726083820), trong đó có một đoạn viết bày tỏ nỗi lòng bức xúc của mình như sau:

"Ngành xuất bản và các tác giả ở Việt Nam thực sự còn rất yếu ớt và cần sự ủng hộ về cả tinh thần và vật chất từ phía bạn đọc. Chúng tôi lo đối phó với sách in lậu đã cực kì vất vả, giờ lại phải lo thêm vụ scan này nữa thì thật sự là quá sức. Tôi có cảm giác như mình là một người làm vườn, cố gắng từng chút một để vun xới cho mảnh vườn nhỏ của mình thật tốt. Thế nhưng tới ngày quả chín thì bị một lũ người nhảy vào xâu xé vặt trộm bằng sạch. Bao nhiêu sức lực, cố gắng, niềm tin của tôi bị rút hết, tôi cảm giác mình đang cố gắng trong vô vọng. Ở Việt Nam một người làm cho một trăm thằng ăn cắp, người Việt hút máu người Việt, dù cố tình hay vô ý, liệu đó có phải một tội ác không? Bạn thử xem, như thế có công bằng không?"

 

Sau đó, tạp chí Chim Lợn (www.facebook.com/TapChiChimLon) đã đăng lại bộ tranh này để giúp chuyển lời của tác giả đến công chúng (xem thêm tại: http://www.facebook.com/media/set/?set=a.282732091757115.84958.116002965096696), và nhiều ý kiến phản hồi đã thể hiện nhiều quan điểm rất khác nhau. Trang của Mr. Dâu tây sau đó cũng đăng lại đường dẫn về bộ tranh của tác giả (www.facebook.com/mrdautay/posts/230275873702272), và cũng nhận được nhiều ý kiến bình luận khác.

 

Sau khi đọc hết khoảng 130 bình luận trong bài đăng trên tạp chí Chim Lợn, tôi, quản trị viên T.K của WTF.VN, nhận thấy một số quan điểm chính sau:

*Phe ủng hộ tác giả nói:

- Việc in lậu và đăng tải này là vi phạm rõ ràng và trắng trợn đến quyền lợi của tác giả;

- Hiện tượng này xuất phát từ tâm lý muốn được dùng đồ miễn phí, không cần quan tâm đến tác giả của nhiều thành phần trong đời thực và xã hội mạng;

- Việc in lậu và đăng tải này là sự trộm cắp, trái pháp luật về bản quyền, vô đạo đức;

- Các hành vi vi phạm về bản quyền này là hút máu tác giả, phá hoại ngành xuất bản còn non yếu ở Việt Nam, đồng thời làm thui chột tinh thần, cảm hứng sáng tạo của các tác giả, dẫn đến kéo tụt sự phát triển của xã hội.

 

*Phe không ủng hộ tác giả có các luận điểm như:

- Nội dung vớ vẩn, bá láp, nhảm nhí, rẻ tiền...;

- Nội dung các câu nói được tác giả sử dụng cũng không có bản quyền, tác giả lại đòi bản quyền cho sách của mình thì nực cười;

- Nội dung sách nhiều chỗ tục tĩu, thô thiển;

- Thời buổi internet, xâm phạm bản quyền là 'bình thường';

- Việc đăng tải lại này không nhằm thu lợi, vì thế không xâm phạm quyền tác giả;

- Việc truyền tải như thế là góp phần quảng cáo, quảng bá tác phẩm đến công chúng, tác giả không nên ý kiến;

- Trên thế giới cũng chuyên sao chụp lậu thế, đâu chỉ riêng Việt Nam. Các tác giả nước ngoài vẫn sống ngon lành đấy thôi;

- Tác giả và các bạn ủng hộ tác giả đã mua bản quyền Windows với Office với các chương trình đồ họa bao giờ chưa mà đòi ý kiến vê chuyện bản quyền?

- Tác giả chưa từng tải phim, nhạc trên mạng về máy bao gờ hay sao mà bây giờ ý kiến?





Phần 2. Nhận định về pháp lý

 

Nhờ chút kiến thức về sở hữu trí tuệ mà tôi được học ở trường, tôi nhận thấy rằng đa số người tham gia tranh luận trên mạng về vụ này cũng như hầu hết các vụ về bản quyền khác hầu như không biết và/hoặc không hiểu đáng kể về các quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam cũng như trên thế giới về sở hữu trí tuệ. Vậy nên, trước khi nói sâu hơn, tôi xin mạn phép giới thiệu đến người đọc một số nội dung cơ bản của các quy định về quyền tác giả thuộc (một trong hai bộ phận chính của quyền sở hữu trí tuệ) hiện hành:

Luật pháp quốc tế ngày nay bảo hộ quyền tác giả chủ yếu theo Công ước Berne 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Hiện nay công ước này đã được hơn 162 nước trên thế giới ký kết và thực hiện. Việt Nam tham gia Công ước này từ tháng 10/2004. Dựa trên nội dung của Công ước Berne, Việt Nam đã xây dựng nên luật Sở hữu trí tuệ 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2009. 

Theo các nội dung của Công ước và của Luật nói trên, về quyền tác giả có một số đặc điểm như sau:

- Quyền tác giả là một bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ, là loại tài sản vô hình có yếu tố thương mại;

- Quyền tác giả là quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học;

- Quyền tác giả được bảo hộ tự động, tức là ngay khi tác phẩm ra đời, tác giả đã có quyền, không cần thông qua thủ tục đăng ký;

- Luật pháp chỉ bảo vệ hình thức thể hiện của tác phẩm (sự định hình tác phẩm dưới một dạng vật chất nhất định), tức là việc bảo hộ hoàn toàn không phụ thuộc vào nội dung hay giá trị nghệ thuật của tác phẩm;

- Tác phẩm chỉ được bảo hộ nếu đó là sản phẩm do tác giả trực tiếp thực hiện, sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ của mình, không sao chép tác phẩm sẵn có.

 

Về nội dung, quyền tác giả bao gồm hai phần: Quyền nhân thân và quyền tài sản

+ Quyền nhân thân bao gồm các quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật/bút danh trên tác phẩm; được nêu tên/bút danh công bố, sử dụng tác phẩm; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

+ Quyền tài sản bao gồm các quyền: Làm tác phẩm phái sinh (dịch, chuyển thể, cải biên, vv...); biểu diễn tác phẩm; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Các quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.

Xâm phạm quyền tác giả là xâm phạm đến các quyền nhân thân và/hoặc quyền tài sản nói trên. Các hành vi xâm phạm được liệt kê rõ tại điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Áp dụng vào vụ việc "Sát thủ đầu mưng mủ", ta có thể nhận thấy rõ ràng các điểm sau: 

 

1. Bộ tranh "Sát thủ đầu mưng mủ" được tác giả Thành Phong vẽ hoàn toàn do hoạt động sáng tạo, lao động trí tuệ của anh tạo ra, hoàn toàn không có sự sao chép, vậy nên đương nhiên anh được bảo hộ quyền tác giả, không ai được phép xâm phạm.

 

2. Lập luận cho rằng việc anh sử dụng các câu nói vui vốn được lưu truyền khắp nơi trên mạng để làm cảm hứng cho bộ tranh là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả của các câu nói đó là không có căn cứ, vì:

- Các câu nói vui đùa đó là dạng văn học truyền khẩu không xác định được tác giả chính thức, tức là một loại văn học dân gian, vì thế chúng thuộc sở hữu chung, mọi người đều có quyền sử dụng chúng vào bất kỳ mục đích nào họ cần;

- Các câu nói đó được tác giả Thành Phong sử dụng làm nội dung của tác phẩm tranh vẽ, mà theo luật thì việc bảo hộ tác phẩm không phụ thuộc vào nội dung tác phẩm, vậy nên cũng không thể vin vào cớ là nội dung vớ vẩn hay là chỉ có tính chất giải trí để không bảo hộ quyền tác giả.

 

3. Việc sao chụp rồi đăng tải truyện lên mạng để truyền đạt đến công chúng thông qua internet chắc chắn không thông qua tác giả Thành Phong hay công ty Nhã Nam (đơn vị đóng vai trò chủ sở hữu quyền tác giả), như vậy là xâm phạm quyền tác giả bằng hành vi vi phạm khoản 6 và khoản 10 điều 28 luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; nhân bản bản sao, truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

 

Nói tóm lại, tác phẩm "Sát thủ đầu mưng mủ" của tác giả Thành Phong hoàn toàn phù hợp với pháp luật về sở hữu trí tuệ, và các hành vi sao chụp, đăng tải, phát tán trái phép tác phẩm trên mạng hiện nay là hoàn toàn trái pháp luật.

 

Phần 3. Vài nhận định về mặt xã hội

 

Trước hết, cần khẳng định rằng hiện tượng vi phạm bản quyền trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chương trình máy tính (Windows, Office, Photoshop, Corel, ACAD,...) và giải trí điện tử (trò chơi, nhạc, phim,...) vẫn còn diễn ra cực kỳ phổ biến ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Và chắc chắn rằng, đó là hành động SAI. Hoàn toàn trái luật. Nhưng không phải vì thế mà người ta mất quyền phê phán, nhận xét. (Xem thêm: www.facebook.com/note.php?note_id=198444473562587). Càng không thể vì thế mà họ mất quyền đòi hỏi những quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình. Tác giả có quyền hưởng lợi ích, lợi nhuận từ mồ hôi nước mắt, từ công sức, thành quả lao động trí tuệ của mình, đó là một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi. Tất cả những luận điệu rằng "anh cũng xâm phạm bản quyền Windows, Office, phim, nhạc... như tôi, nên tôi xâm phạm bản quyền của anh cũng chả sao" là không thể ngửi được.

 

Những người biết phải trái đều hiểu việc họ sử dụng phần mềm máy tính không mua bản quyền là sai trái, và họ buộc phải tự nhủ rằng đó là vì điều kiện bản thân chưa cho phép họ mua bản quyền đến hàng trăm đô Mỹ như vậy. Còn những người coi việc sử dụng 'đồ chùa' như thế là việc đương nhiên rõ ràng là không biết quý trọng trí tuệ và sức lao động của người khác, chỉ chăm chăm lo tư lợi. Rồi đến lúc quyền lợi của họ bị đụng vào thì chính họ thường là những kẻ gào to nhất đấy thôi.

 

Còn những người nói họ tải lậu như thế là góp phần quảng cáo, quảng bá tác phẩm đến công chúng thì đúng là hạng đạo đức giả, ăn cướp mà làm bộ từ thiện, thiết nghĩ không cần nói thêm về loại người như thế nữa.

 

Thời đại internet phát triển, việc quảng bá tác phẩm có những sự thuận lợi, nhưng đi kèm với nó là nạn sao chép lậu cũng phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Không chỉ riêng ở Việt Nam, các tác giả và nhà xuất bản trên khắp thế giới đều đang điên đầu với nạn sao chụp lậu tác phẩm. Chỉ có điều ở Việt Nam, khả năng quản lý của nhà nước còn yếu và các hình thức xử phạt còn nhẹ tay, đồng thời ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác trong nhân dân còn RẤT KÉM, nên tình trạng vẫn còn trầm trọng. Vậy nên, mỗi người phải tự xây dựng và phát triển ý thức tôn trọng công sức lao động trí tuệ của người khác để kích thích sức sáng tạo trong cộng đồng. Hơn nữa, nhỡ đâu một ngày đẹp giời nào đó các bạn nảy ra được ý tưởng tuyệt vời, chắc chắn rằng các bạn sẽ không muốn nó bị đánh cắp, đúng không? Điều gì ta không muốn xảy ra với mình thì hãy đừng để nó xảy đến với người khác.

Pháp luật có được thực thi tốt hay không một phần lớn là ở thái độ và hành động của các bạn.

 

"... Điều đó tùy thuộc hành động của bạn

Tùy thuộc vào bạn mà thôi...."

WTF.VN 

 
Nguồn


http://vi-vn.facebook.com/notes/wtfvn/21102011-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p-di%E1%BB%85n-bi%E1%BA%BFn-v%C3%A0-nh%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%8Bnh-v%E1%BB%A5-s%C3%A1t-th%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BA%A7u-m%C6%B0ng-m%E1%BB%A7/305928822757047?ref=nf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét