Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

DỰ THẢO LUẬT TỐ CÁO...TRUẤT QUYỀN BÁO CHÍ


 Dự thảo luật tố cáo quy định "cơ quan thông tin báo chí khi nhận được tố cáo thì phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết" 

.

Phê bình về Dự thảo Luật Tố cáo



Ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người phê phán dự thảo Luật Tố cáo

Dự thảo Luật tố cáo đang được thảo luận sôi nổi tại Quốc hội Việt Nam.

Vốn đã được đề cập tới từ kỳ họp thứ tám quốc hội khóa XII, dự luật đang tạo những phản ứng tranh luận gay gắt trong các dân biểu.

Nhiều người cho rằng dự thảo luật là một bước thụt lùi trong quá trình lập pháp của Việt Nam, khi đặt các hạn chế về hình thức tố cáo, giới hạn trách nhiệm của báo chí, trong lúc không đưa ra các biện pháp thích hợp để bảo vệ người tố cáo.

'Mâu thuẫn'

Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh nói dự thảo Luật Tố cáo được đưa ra nhằm thay thế một phần cho Luật Khiếu nại Tố cáo 1998, bởi luật cũ chưa đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Đằng nhận xét thay vì phải là một bước tiến bộ, thì dự thảo luật lại đang đưa ra những điều khoản trái ngược, thậm chí mâu thuẫn với một số luật khác, trong đó gồm cả Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng.

Ông nói: "Theo tôi, khi chúng ta làm luật, phải với tinh thần tiến bộ hơn luật cũ, phải tham khảo luật thế giới và phải theo dòng chảy văn minh tiến bộ hiện nay. Rất tiếc dự thảo đi ngược lại tinh thần đó, có những quy định lạc hậu hơn trước, đi ngược lại một số luật, ví dụ như Luật báo chí."


Ông nhận xét việc dự thảo luật quy định "cơ quan thông tin báo chí khi nhận được tố cáo thì phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết" là vô lý, bởi nó ngăn trở sự tham gia của báo chí trong việc phòng chống tham nhũng.

Một trong các nội dung gây bất ngờ của dự thảo là quy định về hình thức tố cáo, theo đó việc tố cáo qua thư điện tử, qua fax hay điện thoại không được chấp nhận.

Trước đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thống nhất theo hướng hình thức tố cáo không quan trọng, mà điều cần quan tâm là tính chính xác, đầy đủ của nội dung thông tin tố cáo. Tuy nhiên, dự thảo được đưa ra thảo luận thì chỉ giới hạn chấp nhận hình thức truyền thống là tố cáo trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Về vấn đề này, ông Lê Hiếu Đằng nói: "Theo quy định hiện nay trong thể chế chính trị Việt Nam, mọi thứ phải thông qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam hết. Vì vậy tôi nghĩ Bộ Chính trị, Ban Bí thư có lẽ không đồng ý điều khoản này, nên Ủy ban thường vụ lại nói ngược lại ý của bản thân Ủy ban thường vụ Quốc hội."

"Nếu Bộ Chính trị, Ban Bí thư không chấp nhận nội dung này thì tôi thấy là không thỏa đáng... rõ ràng là sợ người dân tham gia vào lĩnh vực [tố cáo chống tiêu cực] này."

"Vai trò của Ủy ban thường vụ quốc hội như vậy là chưa thực hiện được mong mỏi của người dân. Đứng trước áp lực nào thì [ủy ban] cũng cần thực hiện vai trò của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất."

Tuy kêu gọi các đại biểu quốc hội hãy cân nhắc kỹ để không thông qua các điều khoản bất hợp lý của dự luật, nhưng ông Lê Hiếu Đằng thừa nhận trên thực tế, đa phần các dân biểu đồng thời cũng là đảng viên Cộng sản, "có thể trong lòng họ không đồng ý nhưng vì là đảng viên nên họ phải chấp hành chỉ thị của Đảng, họ phải bỏ phiếu thuận."

Nguồn BBC

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/10/111027_lehieudang_luattocao_text.shtml


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét