Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

HỒ SƠ TÔ HỒNG HẢI – TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY NGHỆ AN

Tô Hồng Hải hiện đang giữ chức trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy tỉnh Nghệ an- Một ông quan bị báo chí tố nhiều thế mà vẫn ngồi cái ghế nóng thế này thì dân ngĩ cũng ngán.Có lẽ phải ngâm cứu lại công tác cán bộ của Nghệ an coi sao các bác !

HỒ SƠ TÔ HỒNG HẢI – TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY NGHỆ AN

Vẫn cứ đăng đàn kêu gọi học tập đạo đức Hồ Chí Minh
(Nguồn: quyhop.gov.vn)
Sau khi Thắng Xòe cho mở mục “Hoan Châu thâm cung ký”, rất nhiều bạn đọc đã có những phản hồi tích cực. Nhiều người đề nghị tác giả viết về một số nhân vật khác trong chính trường An Tĩnh, đặc biệt là về ông Tô Hồng Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy NA, một nhân vật đã tiêu tốn nhiều giấy mực của báo chí, công sức của dư luận trong và ngoài tỉnh mấy năm qua. Thắng Xòe xin ghi nhận thiện ý của các độc giả. Tuy nhiên, về ông Tô Hồng Hải không hẳn mọi việc đều đã sáng tỏ, nhưng nhìn chung cũng không còn là “thâm cung” nữa. Mấy năm nay, báo chí từ Trung ương đến Nghệ An đã có rất nhiều bài báo điều tra, phân tích về những việc làm không lấy gì làm hay ho của nhân vật này. Vì vậy, thiết nghĩ không cần và không nên viết tiếp về Tô Hồng Hải theo lối “liệt truyện”. Vậy, để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả về nhân vật này, chúng tôi sưu tầm, tập hợp lại một số bài báo đã đăng trên các báo chính thống phản ánh về Tô Hồng Hải, lập thành “Hồ sơ Tô Hồng Hải”. Chúng tôi rất tôn trọng thông tin đa chiều, khách quan nên trong hồ sơ này có cả những bài báo theo những chiều hướng đánh giá khác nhau. Hồ sơ này có thể chưa đầy đủ, Thắng Xòe mong các độc giả quan tâm giúp đỡ, bổ sung thêm!
Chân thành cám ơn!








(Báo Lao động Nghệ An – ngày 4-10-2006)

Tại sao Bí thư Thành uỷ Vinh can thiệp dừng các vụ án tham những về đất đai?

L.S.T : Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định khởi tố vụ án sai phạm trong quản lý đất đai và ngân sách ở hai xã Hưng Lộc và Vinh Tân (TP.Vinh). Dư luận nhân dân hết sức đồng tình. Nhiều người  dân cho rằng: Đây vụ án mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng ở thành phố Vinh theo tinh thần nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) của Đảng . Đây cũng là vụ án “Vạch mặt” những kẻ đã bao che cho bọn tham nhũng. Truớc sự kiện trên, ông Phạm Đức Tuyên một đảng viên ở xóm Phúc Lộc, xã Vinh Tân, TP. Vinh dã gửi cho báo Lao động Nghệ An bài viết trình bày rõ sự can thiệp của ông Tô Hồng Hải, Bí thư Thành uỷ Vinh trong các vụ án đất đai trước đây. 
Bài đăng trên báo Lao động Nghệ An
Theo chúng tôi được biết vào năm 2003 – 2004, tham những đất đai trên địa bàn thành phố Vinh có nguy cơ trở thành “Phong trào”. Nhiều cán bộ từ xã, phường, thành phố đến tỉnh ngang nhiên xà xẻo đất công, làm cho nhân dân hết sức bất bình. Công an thành phố Vinh đã lập chuyên án tiến hành điều tra và thu thập được nhiều chứng cứ phạm tội của một số cán bộ. Nhân dân mong đợi từng ngày để có dịp vạch mặt những tên sâu đất, trả lại đất hợp pháp cho các gia đình bị chiếm đoạt… Mỗi lần thấy bóng dáng cảnh sát đi điều tra, nhiều người dân không chỉ khấp khởi mừng thầm mà còn hăng hái cung cấp nhiều thông tin quan trọng. Họ tin rằng, công lý sẽ chiến thắng, sự thật sẽ được làm sáng tỏ. Người dân càng có cơ sở để tin tưởng khi một số đối tượng như Nguyễn Sỹ Hạnh (Phường Cửa Nam) Nguyễn Văn Thắng (Xã nghi Phú) Nguyễn Văn Hải (Sở Tài nguyên – Môi trường), Nguyễn Viết Chất, Nguyễn Trung Sơn (Xã Hưng Lộc)… lần lượt sa lưới pháp luật. Thế nhưng, không như mong đợi của người dân, các vụ án chỉ dừng lại ở đó rồi chìm xuống khi bắt đầu chạm đến một số cán bộ đương chức khác. Có lẽ chưa bao giờ dư luận lại phân tâm đến thế. Hàng trăm câu hỏi được đặt ra mà không được giải đáp. Ai đã cho “chìm xuồng” các vụ án? Có hay không tiêu cực trong cơ quan điều tra?.... Tuy nhiên, những câu hỏi đó được thời gian trả lời.
 Khi một số đối tượng nói trên sa lưới pháp luật, cơ quan điều tra cũng như dư luận nhân dân đều biết rằng đó chỉ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, những kẻ trọng tội nhất đang là “tội phạm ẩn”. Bọn chúng chẳng ở đâu xa lạ mà ngày trong số quan chức đang tại vị từ phường, xã lên thành phố Vinh. Bởi vậy, những điều tra viên tinh huệ nhất lại tiếp tục vào cuộc mở rộng điều tra. Được nhân dân tận tình cộng tác, giúp đỡ chỉ một thời gian ngắn “bản đồ sâu đất” đã được xác lập chính xác và chi tiết. Thế nhưng, do vụ án liên quan đến nhiều cán bộ đương chức thuộc diện thành uỷ quản lý, nên theo nguyên tắc cơ quan điều tra phải báo cáo xin phép Ban Thường vụ Thành uỷ. Và thế là, mọi cản trở bắt đầu từ đây.
          Theo tài liệu chúng tôi thu thập được và trên cơ sở biên bản các cuộc họp Ban Thường vụ Thành uỷ Vinh do văn phòng Thành uỷ cung cấp, kịch bản dìm các vụ án đã hiện rõ.
          Trong hai ngày 23/12 và 30/12/2004, Ban Thường vụ Thành uỷ Vinh họp để nghe Công an thành phố báo cáo về tình hình sai phạm trong quản lý đất đai ở một số phường, xã trên địa bàn thành phố, chủ yếu là các là các phường xã: Cửa Nam, Hưng Lộc, Nghi Phú. Cuộc họp có mời thêm lãnh đạo Công an TP Vinh và Viện trưởng VKSND Thành phố Vinh tham dự. Tại cuộc họp ngày 23/12/2004, Trưởng Công an thành phố Vinh Đặng Trọng Hải đã báo cáo chi tiết các vụ việc sai phạm ở các phường, xã. Theo đó ở xã Hưng Lộc, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 60/CP có dấu hiệu phạm tội. Ngoài một số nhân vật khác, ông Đặng Trọng Hải khẳng định: Chủ tịch xã Nguyễn Công Hoàn có đủ yếu tố có thành các tội: giả mạo trong công tác, lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Đặng Trọng Hải đề nghị: Sau vụ án đã khởi tố và bắt giữ một số đối tượng, cần khởi tố vụ án thứ hai bao gồm Nguyễn Công Hoàng, Chủ tịch UBND Xã Hưng Lộc và hai đối tượng khác. Trưởng Công an Thành phố Đặng Trọng Hải đề nghị Thành uỷ Vinh chỉ đạo tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với Nguyễn Công Hoàng.
          Ở xã Nghi Phú, ngoài việc báo cáo rõ về sai phạm của Nguyễn Văn Thắng, cán bộ địa chính xã, Nguyễn Văn Hải cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường đã bị bắt giữ, ông Đặng Trọng Hải còn khẳng định: Nguyễn Sỹ Hoà Lái xe cho Chủ tịch UBND thành phố Vinh có dấu hiệu phạm tội đưa và nhận hối lộ (Báo Lao động Nghệ An đã thông tin) Tiếp đến, ông Hải đề xuất xử lý một số đối tượng khác liên quan ở đây. Ngoài ra, Truởng công an thành phố cũng khẳng định: Một số cán bộ thuộc Ban thực hiện Nghị định 60/CP của thành phố và một cán bộ thuế cũng có dấu hiệu phạm tội.
          Cuối cùng, Trưởng công an thành phố đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Công Hoàng, chủ tịc UBND xã Hưng Lộc và một số cán bộ Ban thực hiện Nghị định 60/CP của thành phố Vinh. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Lương, Viện trưởng VKSND thành phố cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với báo cáo của Cơ quan điều tra - Công an thành phố Vinh.  
Do hết giờ làm việc, cuộc họp ngày 23/12/2004 tạm dừng và sau đó được tiếp tục vào ngày 30/12/2004. Tại cuộc họp này, các uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ phát biểu ý kiến. Mặc dù ý kiến cụ thể khác nhau, nhưng đa số đều cho rằng, cần phải xử lý nghiêm, đúng người đúng tội. Và trước khi Bí thư Thành uỷ kết luận, một lần nữa, Trưởng Công an thành phố Vinh Đặng Trọng Hải tái khẳng định quan điểm của cơ quan điều tra như đã nói ở trên. Thế nhưng, Bí thư Thành uỷ Vinh Tô Hồng Hải thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ lại đưa ra một kết luận khác hẳn. Biên bản cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Vinh ngày 30/12/2004 đã ghi tóm tắt kết luận của ông Bí thư Thành uỷ như sau: “Dừng lại các vụ án ở 3 đơn vị: Hưng Lộc, Nghi Phú, Cửa Nam. Chỉ quy các đồng chí Hoàng (Hưng Lộc) Tân (Nghi Phú) thiếu tinh thần trách nhiệm, xử lý nghiêm về mặt hành chính. Các trường hợp khác gắn với kiểm điểm cuối năm ở các Đảng bộ, Chi bộ phường xã, cơ quan. Các nơi khác có nghi vấn thì đưa vào chương trình kiểm tra của Ban Thường vụ năm 2005 (Công an không làm) chuyển đồng chí Hoà lái xe chủ tịch sang lái xe khác. Các trường hợp ban thực hiện Nghị định 60/CP ta xử lý hành chính”.
           Với kết luận đó, cơ quan điều tra chỉ còn biết bó tay. Tiếp sau đó theo sự chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, những kẻ đáng phải đứng trước vành móng ngựa chỉ bị kiểm điểm và xử lý với các hình thức mang tính “nhắc nhở”. Và hầu hết số này trong kỳ đại hội Đảng các cấp vừa qua đều tại vị, thậm chí có người không những không bị kỷ luật mà còn trở thành cấp ủy viên mới. Riêng lái xe Nguyễn Sĩ Hòa, gần một năm sau, khi công luận lên tiếng mới bị kỷ luật cảnh cáo và chuyển sang lái xe cho…Thành uỷ. Được biết, quyết định này đã bị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An phủ nhận vì Hòa không đủ điều kiện để tiếp nhận vào cơ quan Đảng (bị cảnh cáo) và vì quyết định ban hành không đúng thẩm quyền và quy trình.
          Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, việc ông Bí thư Thành uỷ cho “chìm xuống” các vụ án này là không có gì lạ. Trước đó, vào tháng 4/2004 khi Cơ quan điều tra – Công an thành Phố Vinh báo cáo về vụ án Nguyễn Sỹ Hạnh ở phường Cửa Nam giả mạo giấy tờ chiếm đoạt đất công và đất người khác, ông Tô Hồng Hải đã nổi giận, không cho công an khởi tố. Kể cả khi điều tra viên báo cáo về nguy cơ đối tượng bỏ trốn, ông Tô Hồng Hải vẫn không thay đổi ý kiến. Mãi gần một tháng sau, khi vụ việc được đưa ra Ban Thường vụ, trước thái độ kiên quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và một số uỷ viên Thường vụ, đồng thời báo chí vào cuộc, Nguyễn Sỹ Hạnh mới được lôi ra ánh sáng.
Như vậy rõ ràng Bí thư Thành uỷ Vinh Tô Hồng Hải đã lợi dụng danh nghĩa cấp uỷ để có những quyết định sai trái cả về chính trị lẫn pháp luật. Về chính trị, quyết định trên đã vi phạm nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác tư pháp.Về pháp luật, hành vi nói trên có dấu hiệu vi phạm “Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật” theo điều 297 Bộ luật Hình sự. Hậu quả là quá rõ ràng: Trên dưới nửa tá tên tội phạm đã lọt lưới pháp luật, thậm chí vẫn ung dung tại vị để tiếp tục…sai phạm! Tình hình ở các xã nói trên không những không ổn định mà còn trở nên phức tạp, cán bộ nhân dân mất lòng tin đối với cấp trên, thậm chí dư luận cho rằng chính công an cố tình bỏ lọt tội phạm. Không dừng lại ở đó, vi phạm về đất đai tiếp tục lại rộ lên ở các nơi khác như xã Vinh Tân, phường Lê Lợi….
Là những đảng viên sinh hoạt ở cơ sở, chúng tôi rất phấn khởi khi biết tin Ban chỉ đạo TW 6 (2) của Tỉnh uỷ đã quyết định chuyển các vụ tham nhũng về đất đai ở xã Hưng lộc và Vinh Tân cho Cơ quan điều tra - Công an tỉnh xử lý. Quyết định khởi tố vụ án đã được ký và tới đây sẽ là quyết định khởi tố bị can. Những vụ án mà ông Bí thư Thành ủy đã cho “chìm xuống” lại được dựng dậy; những con sâu đất tưởng được hưởng ơn “phóng sinh” lại phải đối mặt với pháp luật. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng không chỉ điều tra, nghiêm trị những tên tội phạm mà còn xử lý thoả đáng kẻ bao che cho chúng. Nhiều đảng viên ở cơ sở đặt câu hỏi: Tại sao ông Bí thư Thành uỷ lại can thiệp dừng các vụ án tham nhũng về đất đai?

                                                                    Phạm Đức Tuyên






(Báo Lao động Nghệ An ngày 25-10-2006)

Dư luận xung quanh bài báo “Tại sao Bí thư Thành uỷ Vinh can thiệp dừng các vụ án tham nhũng về đất đai?”
          
LTS: Báo Lao động Nghệ An số 463 ra ngày 4/10/2006 đăng bài: “Tại sao Bí thư Thành ủy Vinh can thiệp dừng các vụ án tham nhũng về đất đai?”. Dư luận cán bộ, nhân dân hết sức đồng tình với nội dung bài báo và có ý kiến đề nghị phải nhanh chóng, nghiêm túc xử lí vụ việc. Nhiều ý kiến của các đảng viên từng là cán bộ lãnh đạo, cấp ủy viên nêu những bức xúc xung  quanh các vấn đề báo nêu. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.
         
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh:

PHẢI KHẨN TRƯƠNG KIỂM TRA NGHIÊM TÚC

Trước hết tôi xin hoan nghênh báo Lao động Nghệ An đã mạnh dạn nói lên sự thật mà bấy lâu nay nhân dân trông chờ được làm rõ. Tôi cũng đề nghị báo phải phát huy vai trò mạnh hơn trong cuộc chống chiến tiêu cực, tham nhũng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, trong đó có cựu chiến binh. Chúng tôi tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn liên tục theo dõi tình hình thời sự qua nhiều kênh thông tin, trong đó có báo chí.Và chúng tôi cũng hết sức lo lắng, vì tham nhũng đã leo cao, chui sâu, có đường dây, có ê kíp che chắn cho nhau…Nói chung đó là một thứ giặc khó diệt hơn giặc ngoại xâm rất nhiều lần. Mà thứ giặc này cần đến báo chí đi tiên phong mới diệt được.
          Vừa qua, báo Lao động Nghệ An phản ánh về việc ông Bí thư Thành uỷ Vinh đã can thiệp dừng các vụ án tham nhũng về đất đai, chúng tôi thực sự choáng váng. Ông Tô Hồng Hải đã qua hai kỳ Bí thư Thành uỷ, chỉ cần ba việc mà báo nêu cũng đủ để cấp ủy xem xét. Một Bí thư Thành ủy mà lại để một ông chủ tịc xã liên tục bị kỷ luật trong vòng hai năm vẫn ung dung tại vị. Sao lại không cho công an khởi tố ông Hoàng Chủ tịch xã Hưng Lộc, Ông Tân chủ tịch xã Nghi Phú…? Rõ ràng ở đây có sự móc xích với nhau. Theo tôi, trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về ông Bí thư Thành uỷ. Thế mà vừa rồi, Thành uỷ lại có một văn bản trả lời báo, mà theo tôi là không tôn trọng báo chí, không tôn trọng nhân dân, không dám nhìn nhận sự thật. Như thế thì không tiến bộ được, không vững mạnh được. Vì vậy, tôi yêu cầu báo làm sáng tỏ thêm những vấn đề về ông Bí thư Thành uỷ Vinh. Riêng cá nhân tôi, tôi sẽ đề nghị Hội cựu chiến binh tỉnh có ý kiến với Thường vụ Tỉnh uỷ để xử lý vụ việc này.Và qua đây tôi đề nghị: Thường vụ Thành uỷ Vinh phải nghiêm túc kiểm điểm cá nhân ông Tô Hồng Hải; Thường vụ Tỉnh uỷ cũng phải nghiêm túc kiểm điểm, kết luận rõ ràng về ông Tô Hồng Hải. Sau đó là xem xét ông Hải có đủ điều kiện, có xứng đáng giữ như cương vị hiện nay không. Làm được như vậy thì không những uy tín của Đảng mà cá nhân lãnh đạo cũng được nâng lên, nhân dân sẽ bội phần tin tưởng. Làm được như vậy thì Đảng ta sẽ mạnh, dân ta sẽ vui, sẽ tin.

Bà Phạm Thị Đông, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ Tĩnh:

NẾU KHÔNG XỬ LÍ NGHIÊM THÌ SẼ PHẢN TÁC DỤNG
Thông tin mà chúng tôi có được chủ yếu là quan đài, qua báo. Tôi nghĩ, báo viết với các chứng cứ đầy đủ như thế là chính xác. Tôi thấy quá buồn. Thành phố Vinh là một đô thị lớn không cho phép có một người đứng đầu như thế. Lẽ ra, trước việc công an đã báo cáo đầy đủ, đồng chí Bí thư Thành uỷ phải cho kiểm tra ngay và chỉ đạo xử lý nghiêm minh đối với những kẻ phạm tội mới phải. Đằng này, Bí thư lại ra tay can thiệp dừng các vụ án thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị đồng chí Bí thư Thành uỷ nghiêm túc kiểm điểm, có biện pháp khắc phục để lấy lại niềm tin.
Sau đại hội Đảng lần thứ X, nhân dân đã tin tưởng vào cuộc chống tham nhũng mà Đảng ta cam kết quyết tâm làm. Thế mà ở cơ sở, một đồng chí bí thư, một cán bộ lãnh đạo của Đảng đi can thiệp dừng vụ án thì dân còn tin sao được nữa. Vụ việc này nếu không được xử lý nghiêm thì sẽ phản tác dụng, nhân dân sẽ mất tin. Tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí Bùi Đức Tùng mà tôi được biết qua trao đổi là phải xử lý ngay, xử lý nghiêm và phải xem xét trách nhiệm của đồng chí Bí thư Thành uỷ. Đồng thời phải công bố rộng rãi kết quả xử lý cho nhân dân được biết. Theo tôi, việc Bí thư Thành uỷ Vinh can thiệp dừng các vụ án như báo đã nêu là đồng nghĩa với bao che cho giặc nội xâm, thứ giặc mà chúng ta xác định là diệt chúng hết sức khó khăn, phức tạp.

Ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh:

NẾU LÀ VI PHẠM PHẨM CHẤT THÌ KHÔNG THỂ THA THỨ

Tôi đã  từng viết thư cho Liên đoàn lao động tỉnh và báo Lao động Nghệ An, vì tôi tin tờ báo này. Đó là một tờ báo có sức chiến đấu, thể hiện tính tiên phong của giai cấp công nhân. Tôi nghĩ, khi báo chí phản ánh, nếu đúng thì phải nghiêm túc tiếp thu, nếu sai thì phải phản ánh lại cho rõ để xử lý báo chí. Vừa qua báo Lao động Nghệ An có phản ánh việc đồng chí Bí thư Thành uỷ can thiệp dừng các vụ án về tham nhũng đất đai ở các xã nghi Phú, Hưng Lộc và phường Cửa Nam làm cho dư luận hết sức bức xúc. Tôi nghĩ rằng, đã làm việc thì có đúng có sai. Vấn đề là phải biết nhận ra sai lầm để khắc phục sữa chữa. Một tập thể, cá nhân nếu thực sự cầu thị thì phải chấp nhận sự thật, thậm chí phải chấp nhận một nỗi đau để làm cho tập thể đó, cá nhân đó tiến bộ lên. Bằng không nếu chối bỏ sự thật thì sẽ lòng vòng, có khi đi vào ngõ cụt. Với cách trả lời báo chí như vừa rồi của Thành uỷ Vinh, theo tôi là vòng vo, chung chung, nói lạc hướng. Trả lời như vậy có khi lại tạo nên bức xúc trong dư luận. Bây giờ là lúc phải nhìn nhận sự thật để khắc phục, sữa chữa, để tiến bộ. Tuy nhiên, “sự thật thì mất lòng” nhưng cũng phải hiểu rằng: “thuốc đắng giã tật”. Theo tôi, việc vừa rồi như báo Lao động Nghệ  An nêu, Thường vụ Thành uỷ cần đưa ra họp tập thể, phân tích và có kết luận rõ, trả lời công luận một cách thoả đáng.

                                                                        LĐNA




(Báo Lao động Nghệ An – ngày 24-1-2007)

Một người làm “quan" cả nhà được…đất

Báo LĐNA đã phanh phui "kỹ nghệ" lấy đất
của ông Tô Hồng Hải
Phải nói ngay rằng quyết định 52/2003/QĐ –UB ĐC 02/6/2003 của UBND tỉnh về việc giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân tại thành phố Vinh, và thị Xã Cửa Lò là một quyết định có quá nhiều kẽ hở. Quyết định trên đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng, trong đó có quan chức, người nhà của họ được dịp chiếm đất, gây bất bình trong dư luận nhân dân. Có thể khẳng định rằng: Chuyện cấp đất ưu tiên không qua đấu giá theo quyết định 52 nếu được đưa lên diễn đàn chống tham nhũng thì nhiều quan chức ở cấp thành phố đều có dính líu. Vậy nên, trên diễn đàn chống tham nhũng đất đai, số đông đều chơi bài né tránh. Tại TP. Vinh, chỉ có một người duy nhất là ông Tô Hồng Hải, Bí thư Thành uỷ là người công khai lên diễn đàn tuyên bố một cách hùng hồn rằng, chỉ có ông là người không dính líu chuyện đất đai. Đùng một cái dư luận rộ lên việc thanh tra TP Vinh khi xác minh đơn tố cáo của công nhân đã phát hiện anh Vũ Tuấn Dũng (cháu gọi ông hải bằng cậu ruột) được cấp đất tại khu tái định cư bắc cầu Nại, khi chưa có hộ khẩu thường trú tại TP. Vinh. Nhưng Bí thư Thành uỷ đã thẳng thắn trả lời các cơ quan báo chí rằng: Vũ Tuấn Dũng được cấp đất theo diện thu hút nhân tài, hoàn toàn bình thường, không có sự can thiệp của ông.
           Sau vụ can thiệp của Thành uỷ Vinh để xử lý “nhẹ nhàng” cho một số đối tượng tham nhũng đất đai tại Vinh Tân, Hưng Lộc và Nghi Phú bị báo chí phanh phui, Tỉnh uỷ phải trực tiếp chỉ đạo công an tỉnh điều tra lại. Những khiếu nại đối với cá nhân Bí thư Thành uỷ Vinh cũng được Tỉnh uỷ ra quyết định số 256 thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ. Nhân có đợt kiểm tra của Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ, hàng loạt đơn thư đứng tên đã được gửi tới Tỉnh uỷ và các cơ quan báo chí tố giác việc ông Tô Hồng Hải lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy 2 lô đất cho người thân ở Đoàn quy hoặc lâm nghiệp (phường Hưng Bình) cho em trai là tô Sỹ Giai và Tô Viết Sáu, 2 lô đất ở đường Duy Tân cho bản thân tại phường Hưng Phúc.Vậy thực hư của vấn đề như thế nào?
Qua kiểm tra hồ sơ khu quy hoạch xen dắm tại khối Yên Phúc A, phường Hưng Bình, theo danh sách 12 đối tượng được duyệt giao đất ưu tiên không chỉ đấu giá chỉ có một mình ông Tô Viết Sáu (công tác tại Sở Nội vụ Nghệ An) vợ là Nguyễn Thị Mai có tên. Ông Sáu được giao lô đất số 04 (diện tích 134m2) vào ngày 08/6/2004. Trong đơn xin giao đất của mình, vợ chồng ông Sáu, bà Mai ghi là chưa có đất ở. Kiểm tra tại phường Hưng Phúc, được biết gia đình ông Tô Viết Sáu đang ở tại nhà số 11, đường Yên Phúc. Riêng ông Tô Sỹ Giai không có tên trong danh sách được cấp đất tại khu quy hoạch xem dắn, khối yên Phúc A phường Hưng Bình. Ông Tô Sỹ Giai đã có nhà riêng số 2A 4 khu quy hoạch Bộ đội biên phòng đường Hecman, thuộc khối Yên Vinh, phường Hưng Phúc.
Tại khu quy hoạch dân cư sau Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp, qua kiểm tra, chúng tôi được biết, người nhà ông Tô Hồng Hải có 2 lô đất. Lô thứ nhất bám đường Tô Bá Ngọc đứng tên bà Phan Thị Tùng, mẹ ông Tô Hồng Hải (Lô số 06). Theo danh sách xét duyệt lưu tại phường Hưng Bình thì bà Phan Thị Tùng quê ở Bài Sơn, Đô Lương, hộ khẩu thường trú tại phường Hưng Bình, là mẹ của một cán bộ công nhân viên (nghỉ hưu) cũng thuộc diện chưa có đất ở. Còn trong đơn xin giao đất đứng tên bà thì quê quán lại ghi tại xã Minh Thành, Yên Thành, chồng Là ông Tô Viết Thảo (mất năm 2001) là một cán bộ tiền khởi nghĩa. Hiện bà già yếu ở với con là Tô Viết Sáu nên bà có nhu cầu tách hộ cho con. Đối chiếu những thông tin trên với quyết định 52 của UBND tỉnh thì việc bà Phan Thị Tùng được UBND tỉnh cấp đất ưu tiên không qua đấu giá tại Đoàn quy hoạch vào ngày 31/8/2004 là hợp lý. Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Điều chúng tôi ngạc nhiên là không biết trong số những đứa con của bà ai đã đứng tên để xin đất. Bởi vợ chồng bà có 2 lô đất và nhà ở tại khu quy hoạch dân cư Nông sản thực phẩm (lô số 34 và 35) tại khối Tân Phúc. Theo hồ sơ lưu giữ tại phường thì lô số 34 trước đó cấp cho ông Lê Ngọc Dũng và bà Chu Thị Thuỷ; lô số 35 cấp ông Nguyễn Khắc Lam và bà Đặng Thị Hương. Việc anh Tô Viết Sáu, chị Mai sau khi từ tỉnh Đắc Lắc trở về Vinh đã về chung sống với vợ chồng bà Tùng là có thực. Bởi thế, nhu cầu cấp đất ưu tiên không qua đấu giá để tách hộ cho vợ chồng anh Sáu, chị Mai là không có gì phải bàn. Thế nhưng, trên thực tế bà Tùng và anh Sáu lại được UBND tỉnh cấp mỗi người một suất đất tại 2 khu quy hoạch. Điều lạ lùng là chẳng biết ai đã “đẩy” cả bà Tùng  và anh Tô Viết Sáu vào diện không có nhà ở để lấy đất ưu tiên không qua đấu giá(!) Lô thứ 2, tại khu dân cư Đoàn quy hoạch lâm nghiệp bám đường Tô Bá Ngọc đứng tên anh Tô Hiền Đệ (lô số 8). Theo danh sách xét duyệt ghi ngày 16/8/2004 của UBND phường Hưng Bình thì Tô Hiền Đệ quê tại Minh Thành,Yên Thành, hộ khẩu thường trú của gia đình tại phường Hưng Bình, thuộc diện chưa có đất ở. Còn trong đơn xin giao đất ở ưu tiên, không qua đấu giá, ghi ngày 10/8/2004 thì hộ khẩu thường trú của gia đình ông Đệ lại ở phường Hà Huy Tập (!) Điều chúng tôi ngạc nhiên là trong khi không ít cán bộ của Đoàn quy hoạch đang túng thiếu và không có đất ở, thậm chí phải rời khỏi nơi ở của họ tại khu quy hoạch dân cư này thì không hiểu bằng cách nào mà Tô Hiền Đệ đã có căn nhà 3 tầng, lừng lững tại khu Trung Tiến, phường Hưng Dũng (số nhà 17 A1) lại có thể chen chân vào đó và được cấp đất tại Đoàn quy hoạch lâm nghiệp một cách dễ dàng như vậy?
Sau khi bài báo này đến với bạn đọc, có thể ông Tô Hồng Hải sẽ cho rằng chuyện đất đai của bà Tùng và 2 người em trai của ông hoàn toàn không hề liên quan đến ông. Với tư cách là Bí thư Thành uỷ, ông chưa hề có một sự can thiệp nào để họ cấp đất sai quy định. Lỗi này thuộc về cán bộ các phường, xã và sự quan liêu thiếu kiểm tra của các cấp có thẩm quyền từ TP.Vinh đến tỉnh Nghệ An. Thế nhưng trong quá trình điều tra, khi chúng tôi xin được kiểm tra hồ sơ, thì hầu hết cán bộ cấp phường, xã đều không dám cung cấp hồ sơ vì sợ đụng chạm đến cấp trên. Và một thông tin mà chúng tôi có được: Con gái ông Tô Hồng Hải Là Tô Thị Hải Hà hiện đang ở trên lô đất được cấp đứng tên bà Tùng tại khu dân cư Đoàn quy hoạch lâm nghiệp. Một vài vị mạnh dạn nói với chúng tôi: “Nếu ông Tô Hồng Hải không làm lãnh đạo cao nhất của thành phố Vinh thì còn lâu những người nhà của ông mới được ưu tiên cấp đất như vậy”.     

                                                                     Nhóm PVĐT






 (BÁO LAO ĐỘNG)

 NGHỆ AN:

Trưởng ban Tuyên giáo làm giả hồ sơ khen thưởng

Thứ Ba, 17.8.2010 | 08:12 (GMT + 7)

Ông Tô Hồng Hải - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An - bị phát hiện làm hồ sơ báo cáo thành tích giả. Căn cứ Nghị định 42/2010/NĐ-CP và 121/2005/NĐ-CP của Chính phủ thì ông Trưởng ban Tuyên giáo đều không đủ tiêu chuẩn để được xét tặng Huân chương Lao Động.

Không họp nhưng ông Hải vẫn làm biên bản giả
Thứ nhất, ông Tô Hồng Hải đã không khai về việc cá nhân bị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách năm 2007, khi còn đương chức Bí thư Thành uỷ TP.Vinh. Lý do bị kỷ luật là do công dân liên tiếp có đơn tố cáo ông Hải có hành vi bao che cho cán bộ cấp dưới tham nhũng, ngăn cản không cho làm rõ vụ tham nhũng đất đai ở xã Hưng Lộc và Nghi Phú, bởi người nhà ông Hải được cấp đất sai đối tượng.

Thứ hai, trong bản khai thành tích của mình, ông Hải chủ yếu nói về thành tích của Ban Tuyên giáo mà không đề cập đến thành tích cá nhân vì chưa đủ các tiêu chuẩn: Chưa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, không liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, không đạt danh hiệu đảng viên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bản thân thì bị kỷ luật...

Tuy nhiên, hồ sơ của ông Hải vẫn được Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Nghệ An xét đề nghị Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động hạng Ba. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Thứ nhất, ông Hải không đạt danh hiệu thi đua cấp cơ sở các năm 2003 – 2009, nhưng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh vẫn công nhận ông Hải là chiến sĩ thi đua ngần ấy năm. Thứ hai, ông Tô Hồng Hải không đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ năm 2003 – 2009, nhưng hồ sơ trích ngang vẫn thể hiện.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trần Hưng Thịnh - Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Nghệ An. Ông Thịnh cho biết, về nội dung phản ánh ông Hải đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ năm 2003 – 2009 là chúng tôi ghi theo bản thành tích cá nhân. Còn về danh hiệu đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ thì chúng tôi căn cứ theo xác nhận của các cơ sở Đảng. Lật lại hồ sơ, trong bản khai thành tích cá nhân, ông Tô Hồng Hải chỉ khai là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh từ giai đoạn 2003 – 2005. Về danh hiệu đảng viên, hồ sơ ông này có 2 giấy xác nhận. Một của Thành uỷ TP.Vinh xác nhận từ năm 2001 – 2005. Và một giấy do Phó Bí thư Đảng uỷ Cơ quan dân chính Đảng Nguyễn Trọng Chân ký xác nhận cho ông Hải: “Năm 2007, 2008, 2009 được xếp loại đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, trong lúc năm 2007 ông Hải đang phải thụ án kỷ luật. Và có một điều là năm 2006 không thấy phản ánh ông Hải được xếp loại thế nào?

Điều mà dư luận quan tâm nhất hiện nay chính là ông Tô Hồng Hải đã ngụy tạo hồ sơ khen thưởng. Theo quy định, để kèm theo bộ hồ sơ gửi đi các cấp, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ban Tuyên giáo phải có biên bản (hoặc trích biên bản) cuộc họp đề nghị khen thưởng. Tại hồ sơ của ông Hải cũng có bản trích này và ghi lập ngày 16.3.2010. Theo biên bản, cuộc họp do chính ông Hải chủ trì, ông Đinh Lĩnh Lương – Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo làm thư ký. Nội dung là 6/6 uỷ viên hội đồng nhất trí đề nghị xét tặng Huân chương Lao Động hạng Ba cho ông Hải.

Tuy nhiên, trên thực tế không có cuộc họp như đã nêu. Theo một số cán bộ Ban Tuyên giáo, Hội đồng Thi đua của ban chỉ có 5 người, chứ không phải 6. Ngày 15.3.2010 có họp lãnh đạo ban, nhưng bàn về việc khác, ngày 16.3, toàn ban không có cuộc họp nào. Để khẳng định sự việc, chúng tôi đã tìm gặp ông Đinh Lĩnh Lương - người ký tên ở vị trí thư ký của bản trích biên bản ngày 16.3. Ông Lương đã thừa nhận, không tổ chức họp Hội đồng Thi đua Ban Tuyên giáo như trong bản trích biên bản.

Hiện Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Trần Văn Hằng đã chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ kiểm tra, làm rõ việc gian dối hồ sơ thi đua khen thưởng của ông Tô Hồng Hải.
Phạm Việt Thắng

 (BÁO CÔNG AN NGHỆ AN)
Về việc xét Huân chương Lao động cho đ/c Tô Hồng Hải
Thứ Năm, 26/08/2010 08:32
(Congannghean.vn)-Sở Nội vụ đã có Công văn số 159/BTĐKT-NVCT ngày 16/8/2010, về việc trả lời đơn thư khiếu nại việc xét đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 cho đồng chí Tô Hồng Hải.
Nội dung công văn khẳng định về quy trình và tiêu chuẩn khen thưởng hoàn toàn đúng và nêu rõ:

“Đồng chí Tô Hồng Hải là cán bộ lãnh đạo tỉnh, đã có nhiều đóng góp trong quá trình công tác.

Căn cứ theo tiêu chuẩn khen thưởng quá trình cống hiến tại khoản 1, điều 29 Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005, của Chính phủ quy định thì đồng chí Tô Hồng Hải lẽ ra đủ điều kiện được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Mặt khác, đồng chí Tô Hồng Hải tuổi đời và tuổi công tác đã nhiều mà chưa được tặng một hình thức khen thưởng nào từ bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên. Vì vậy việc đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Tô Hồng Hải là xứng đáng.”
P.V




 (BÁO KINH TẾ HỢP TÁC)

Xung quanh thông tin Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An "làm giả hồ sơ khen thưởng" - Đâu là sự thật?

24/08/2010
Đằng sau lá đơn nặc danh mang tên "Dân Nghệ An" là ai, tố cáo thiếu căn cứ với động cơ gì? Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cần làm rõ lá đơn nặc danh này.
 
Thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng: Ông Tô Hồng Hải- ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An- làm giả hồ sơ đề nghị xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong hồ sơ báo cáo thành tích, ông Hải không nêu hình thức kỷ luật mức khiển trách vào năm 2007 do khi còn là Bí thư Thành ủy Vinh do có một số sai phạm liên quan đến đất đai. Trong hồ sơ có một văn bản trích Biên bản họp Hội đồng thi đua- khen thưởng về việc xét đề nghị khen thưởng cán bộ, công nhân viên vào ngày 16/3/2010 với nội dung: 6/6 ủy viên Hội đồng nhất trí đề nghị xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Tô Hồng Hải, nhưng thực tế cuộc họp này không diễn ra...
 
Tìm hiểu về thông tin này, phóng viên báo Kinh tế Hợp tác Việt Nam được biết, ngày 16/3/2010, theo thường lệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An có tổ chức cuộc họp hàng tuần, thành phần gồm có: Trưởng Ban, 3 Phó Trưởng Ban, Chánh Văn phòng và Chủ tịch Công đoàn cơ quan. Trong cuộc họp, ông Tô Hồng Hải đã đưa ra ý kiến lần cuối cùng về việc đề nghị Ban Thi đua khen thưởng tỉnh làm thủ tục đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông. Tại cuộc họp, các thành phần dự họp (cũng chính là 6 thành viên Hội đồng thi đua- khen thưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An) đều nhất trí với hồ sơ thành tích 34 năm công tác (4 khóa liên tục là ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, 2 khóa là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, từng là Bí thư Thành ủy Vinh, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Nghệ An... ) của ông Tô Hồng Hải do Ban Tuyên giáo lập theo hướng dẫn của Ban thi đua- khen thưởng tỉnh Nghệ An có xác nhận của nhiều cơ quan, cá nhân. Hai Phó Trưởng Ban Tuyên giáo là ông Thái Khắc Thư, ông Bùi Đình Sâm cũng như ông Đinh Lĩnh Lương- Chánh Văn phòng kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ quan- đều thừa nhận với phóng viên báo Kinh tế Hợp tác Việt Nam rằng, Ban thi đua- khen thưởng của Ban Tuyên giáo không có cuộc họp riêng mà kết hợp với cuộc họp hàng tuần của lãnh đạo cơ quan.

Về nội dung bản báo cáo thành tích của ông Tô Hồng Hải, cùng với xác nhận của một số tổ chức cơ sở Đảng là ý kiến xác nhận cuối cùng của ông Thái Khắc Thư- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo thường trực Tỉnh ủy Nghệ An.

Ông Bùi Đình Sâm- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An- cho rằng, bản Báo cáo thành tích cá nhân đề nghị xét tặng Huân chương, Huy chương khác với Bản khai lý lịch. Theo quy định tại Thông tư 01/2007/TT-VPCP ngày 31/7/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định 121/2005/NĐ-CP thì việc ông Tô Hồng Hải bị kỷ luật hình thức khiển trách vào năm 2007 không bị ràng buộc bởi các quy định hiện hành và không nhất thiết phải nêu trong báo cáo thành tích. Năm 2007, mặc dù bị kỷ luật khiển trách nhưng ông Tô Hồng Hải vẫn được chi bộ Đảng bình xét là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Nghệ An trình hồ sơ xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Tô Hồng Hải lên Văn phòng Chính phủ thì có một lá đơn nặc danh mang tên "Dân Nghệ An" gửi đi nhiều nơi, tố cáo ông Tô Hồng Hải làm giả hồ sơ đề nghị khen thưởng. Trong văn bản trả lời Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 16/8/2010, ông Trần Hưng Thịnh- Phó Giám đốc Sở Nội vụ- Trưởng Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Nghệ An khẳng định: "Hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Tô Hồng Hải của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là đầy đủ về quy trình. Không thấy biểu hiện đồng chí Tô Hồng Hải tự tổ chức thực hiện việc thi đua khen thưởng".

Vậy đằng sau lá đơn nặc danh mang tên "Dân Nghệ An" là ai, tố cáo thiếu căn cứ với động cơ gì? Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cần làm rõ lá đơn nặc danh này. 
  
Trung Hiếu- Quang Hợp
                





 (BÁO LAO ĐỘNG)

VỤ “TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO LÀM GIẢ HỒ SƠ KHEN THƯỞNG”:

Kiểm tra, ra... làm giả

Thứ Năm, 14.10.2010 | 07:06 (GMT + 7)

Chiều 11.10, ông Nguyễn Tất Lý - Chánh văn phòng Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Nghệ An - cho PV Báo Lao Động biết: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có thông báo kết luận về việc kiểm tra đối với ông Tô Hồng Hải - Uỷ viên ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ - theo đơn tố cáo của công dân.


Theo đó, ông Hải là Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Ban Tuyên giáo đã không họp hội đồng thi đua, nhưng vẫn ký văn bản "trích biên bản" ngày 16.3.2010 để đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Ba cho chính mình (Báo Lao Động ra ngày 17.8).

Không họp vẫn ký “trích biên bản”

Theo ông Nguyễn Tất Lý: Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An khẳng định: Không có cuộc họp Hội đồng thi đua khen thưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An ngày 16.3.2010 về việc đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Tô Hồng Hải - Trưởng ban Tuyên giáo. Bản “trích biên bản” ngày 16.3.2010 là do ông Hải và ông Đinh Lĩnh Lương - chánh văn phòng ban tự ký. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xác định trách nhiệm: “Đồng chí Tô Hồng Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chịu trách nhiệm với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng đã ký văn bản “trích biên bản” ngày 16.3.2010 nhưng không họp Hội đồng thi đua khen thưởng”.

Cũng tại thông báo kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc đề nghị tặng huân chương cho ông Hải. Cụ thể:

- Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm trong việc thẩm định và đã ghi không đúng danh hiệu thi đua của ông Hải. Đồng thời, bản danh sách trích ngang do Ban Thi đua khen thưởng lập để trình hội đồng và gửi đi trung ương đã ghi thành tích của ông Hải: “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ năm 2003 – 2009”, “Đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ từ 2003 – 2009”. Tuy nhiên, ông Tô Hồng Hải không liên tục đạt những danh hiệu như trên, vì đã bị kỷ luật năm 2007.

- Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh đã xác nhận cho ông Hải là đảng viên xuất sắc trong các năm 2007-2008-2009, trong khi đó năm 2007 ông Hải đang phải chấp hành kỷ luật (tháng 3. 2007, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An ra quyết định kỷ luật đối với ông Tô Hồng Hải trên cương vị là Bí thư Thành uỷ Vinh; bố trí làm Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh. Cuối năm 2007, Chi bộ cơ quan Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh vẫn bình xét ông Hải đạt danh hiệu “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Do xếp loại sai quy định cho ông Hải nên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã yêu cầu Chi bộ cơ quan Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trong khi đó, ông Tô Hồng Hải là Bí thư Đảng uỷ khối). Trao đổi với PV Lao Động chiều 11.10, Phó Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh, ông Nguyễn Trọng Chân thừa nhận: “Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kết luận, chúng tôi sai rồi, chúng tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc”.

Không đủ tiêu chuẩn

Theo quy định, ông Tô Hồng Hải không đủ tiêu chuẩn để được xét tặng huân chương Lao động hạng Ba. Theo Luật Thi đua khen thưởng cũng như Nghị định 121/2005/NĐ-CP, ngày 30.9.2005 của Chính phủ, ông Hải không đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn. Thứ nhất, ông Hải không đạt liên tục 7 năm liền chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, không có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, không có công trình khoa học, sáng kiến xuất sắc...

Về tiêu chuẩn dành cho cán bộ có quá trình cống hiến lâu dài, ông Hải cũng không thuộc đối tượng. Vì, điểm c, thông tư 01/2007/TT-VPCP ngày 31.7.2001 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định 121/2005/NĐ-CP, quy định: “Tiêu chuẩn quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể được áp dụng để xem xét đối với các trường hợp đã có quá trình công tác trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, giữ các chức vụ lãnh đạo được Nhà nước bổ nhiệm hoặc chức vụ bầu cử được quy định trong Nghị định số 121/2005/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đến tuổi nghỉ chế độ hoặc đã nghỉ chế độ mà chưa được khen thưởng (kể cả các trường hợp đã từ trần)”.

Như vậy,  xét về tiêu chuẩn cũng như thủ tục về hồ sơ theo quy định để được xét tặng huân chương lao động hạng ba, ông Tô Hồng Hải đã không đạt và thể hiện sự gian đối. Như vậy, việc báo chí phản ánh là hoàn toàn có cơ sở và nay đã được Ban Thường vụ tỉnh uỷ Nghệ An kết luận. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật với ông Tô Hồng Hải chỉ là “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” là còn quá nhẹ, cần phải có hình thức kỷ luật cao hơn để giữ nghiêm kỷ luật Đảng theo tinh thần quy định 94/QĐ-TW của Bộ Chính trị.
Phạm Việt Thắng

(BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN)

Nghệ An: Kiểm điểm sai phạm đối với Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh

9:17, 29/06/2011



Ngày 28/6, tin từ Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An vừa ký Công văn số 408/CV-TU yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức kiểm điểm những sai phạm của ông Tô Hồng Hải - Trưởng ban Tuyên giáo.
Thời gian qua, ông Hải đã vi phạm một số việc được công dân và báo chí phản ánh như: Gây mất đoàn kết nội bộ lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện cá nhân, độc đoán trong bố trí cán bộ; lập chứng từ khống để thanh toán tiền ngân sách, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính; sử dụng xe ôtô công không đúng quy định…

Trước đó, chiều 8/10/2010, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã có kết luận về việc ông Hải làm sai biên bản họp hội đồng thi đua khen thưởng của Ban Tuyên giáo đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho bản thân và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức kiểm điểm đối với ông Hải.

Sông Lam

Nguồn : thangxoe.blogspot.com .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét