Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

TÌM HIỂU MÔN GOLF - NHÂN SỰ KIỆN LA THĂNG CẤM...


Môn thể thao cao cấp: Chơi Golf

Tee shot - đánh thật mạnh nhưng chính xác để banh bay xa theo hướng lỗ mục tiêu


Đánh nhẹ cho banh lọt vào lỗ


Golf (cũng gọi: côn cầu) là một môn thể thao dùng gậy đánh banh phổ biến, được nhiều người hâm mộ và theo dõi. Mục đích của trò chơi là dùng gậy đánh trái banh nhỏ từ một nơi, đánh cho đến khi banh lọt vào lỗ nhỏ ở nơi khác, trong cùng khoảng đất không theo luật cố định. Sau khi đánh cho banh lọt vào hết số lỗ quy định (thường là 18) thì tính hạng. Số lần đánh càng ít càng có hạng cao.


Xuất xứ


Hiện nay, nguồn gốc bắt đầu môn golf vẫn chưa rõ ràng đang là vấn đề tranh luận của các nhà nghiên cứu lịch sử thể thao. Theo một số sử gia, trong môn paganica của người Roman, người chơi sử dụng một cây gậy cong để đánh một quả bóng da nhồi. Lý thuyết này cho rằng paganica lan khắp Châu Âu khi người La Mã chinh phục trong giai đoạn thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và cuối cùng phát triển thành các trò chơi hiện đại. Những sử gia khác lại cho rằng môn golf hiện nay phát triển từ môn chuiwan (“chui” có nghĩa “đánh”, “wan” nghĩa là “quả bóng nhỏ”), một trò chơi Trung Quốc chơi giữa thế kỷ thứ tám.


Ở Việt Nam cũng có một trò chơi dân gian mang tính chất tương tự là môn “Đánh phết”, về sau trò này trở thảnh một môn thể thao phổ biến trong các ngày Tết, ngày hội. Tương truyền, từ thời Hai Bà Trưng, trò đánh phết đã được tổ chức để rèn luyển thể lực và mưu trí cho quân sĩ.


Tuy nhiên, theo số đông nhà nghiên cứu, môn golf có thể xuất phát từ Iceland, là trò chơi của những người chăn cừu ngày xưa. Trong khi lùa cừu đi ăn, họ dùng cây gậy có một đầu to để đánh viên sỏi tròn đi xa, và họ thi với nhau xem ai đánh đi xa nhất và chính xác nhất.


CLB golf lần đầu tiên trên thế giới được thành lập – CLB golf của các quí ông The Gentlement Golfer of Leith (về sau CLB này đổi tên thành Hiệp hội golf danh dự Edinburgh (the Honourable Company of Edinburgh Golfer). Sự kiện đó được nối tiếp bằng việc thành lập Hiệp hội golf mang tên Thánh Andrews vào năm 1754 (St Andrews Society of Golfer). Nguyên tắc tính điểm được đưa ra vào năm 1759 và đến năm 1764 sân golf 18 lỗ bắt đầu trở thành mẫu sân golf tiêu chuẩn. Và tới năm 1895 giới đàn ông mất thế “độc quyền” khi CLB các tay golf nữ được thành lập.


Cách chơi


Muốn chơi Golf, người chơi cần phải có một sân cỏ rộng đến vài chục hecta, trồng loại cỏ đắt tiền để phù hợp và không được làm cản hay thay đổi lực và phương của cú đánh. Trong sân golf được thiết kế đẹp và càng hoang dã càng tốt, đến với sân golf, trong màu xanh mát mắt (Green) người chơi sẽ cảm thấy thư thái, quên đi những lo toan hàng ngày... Khung cảnh đẹp, nhiều cây xanh, là một môi trường lý tưởng để hít thở không khí trong lành (Oxy), vì vậy chi phí bảo trì và vận hành rất lớn, điều này được tính vào giá chơi Golf, tất cả những thiết bị chơi Golf cũng rất đắt tiền nên môn chơi này còn được gọi là môn chơi của các nhà quý tộc (Luxury). Bù lại, luật Golf cũng quy định nhiều nghi thức rất lịch sự, làm cho các đấu thủ luôn tỏ ra hài lòng với nhau (Friend)


Dụng cụ chơi


Các dụng cụ chơi Golf gồm: •Bộ gậy golf: thông thường có 13 cây •Banh •Tee (đế bằng gỗ dùng để đặt trái banh lên đánh đi tại khu vực xuất phát (tee box) •Giày chuyên dụng để chơi Golf •Găng tay •Marker •Quần áo theo quy định


 


Khi chơi Golf, người chơi thường đi bằng xe Golf chuyên dụng hoặc thuê một người kéo túi gậy Golf, người này gọi là "Caddy", nhiệm vụ của Caddy là tư vấn cách đánh cho người chơi, lau banh, nhìn và phát hiện đường đi của banh, ghi điểm cho người chơi, đánh dấu banh khi gần vào lỗ v.v...


 


Luật chơi


Một cú Fairway


Luật chơi Golf rất phức tạp và được quy định cực kỳ chặt chẽ bằng luật golf, người chơi Golf cần đánh trái bóng của mình từ nơi xuất phát (tee box) đến khi nó rơi vào green. Mỗi lần chạm bóng được tính một điểm. Sau đó người chơi sẽ tiếp tục ở đường Golf tiếp theo. Một sân golf hoàn chỉnh có 18 đường, người chơi có thể chơi một vòng (18 đường) hay nữa vòng (9 đường) hoặc 2 vòng (36 đường). Sau ki kết thúc cuộc chơi, người chơi tính tổng số điểm có được, ai ít điểm nhất thì thắng.


Một đường Golf gồm các thành phần sau:


Tee box - dùng để xuất phát.


Fair way - đường bóng lăn.


Bunkers - những hố cát


Rough - những vùng chướng ngại vật như đất cứng, cỏ dại, bụi rậm v.v...


Lake - ao hồ ( như một trong các chướng ngại vật).


Green - vùng trồng cỏ đặc biệt trên đó có lỗ golf để kết thúc đường golf đó và được cắm cờ để định hướng.


Vì cách chơi đơn giản nên luật chơi hết sức chặt chẽ và đều nhằm mục đích làm tăng điểm của người chơi. Và cấu trúc của sân golf cũng nhằm vào điều đó, tất cả các bụi cây, đồi núi, ao hồ đều được thiết kế đúng vào tầm banh rơi để người chơi phạm lỗi (tuỳ theo lỗi mà phạt từ 1 – 3 điểm hay quay về nơi xuất phát v.v...).


Luật chơi golf


Luật Golf được biên soạn bởi Hiệp hội Golf Chuyên nghiệp Thế giới và được thay đổi bổ sung định kỳ, các sân golf địa phương trên toàn thế giới cũng được phép thay đổi một số điều luật cho phù hợp tình hình cụ thể nhưng không được trái với Luật chính thức.


 


Golf - Đỉnh cao thể thao hay thú chơi quý tộc?


Sau gần 1 tiếng chạy đua với nắng, khói bụi cùng người và xe đen như kiến trên xa lộ Hà Nội, con đường nhựa phẳng lỳ, xanh mướt mát và hoàn toàn vắng lặng dẫn vào sân golf Thủ Đức (Vietnam Golf & Country Club) như dẫn tới một thiên đường xanh, cỏ hoa rực rỡ.


Xe hơi các đời, không ít các “siêu xe" Mercedes S500, BMW serie 7, Infinity, Lexus… xếp hàng ngay ngắn dưới những tán cây trong khu đỗ xe. Cảnh giống như đang ở một xứ khác. Tất nhiên nếu không có thẻ hội viên hoặc không được “bảo lãnh", người lạ đừng hòng "lớ xớ" vào khu vực này. Một không gian dành riêng cho các golfer (mà theo thống kê sơ sơ, hiện trên cả nước mới chỉ có khoảng 4.000 người, trong đó khoảng 1.000 người chơi thường xuyên, và trong số này người Việt Nam chỉ tính đến con số quá trăm là hết). Quả xứng danh một thú chơi quí tộc!


Có tiền chưa đủ, phải có rất nhiều tiền!


Mọi con đường đều dẫn tới La Mã, nhưng golf không phải là… La Mã. Một số không nhiều những quốc gia có "cơ thể" bát ngát, không phải chịu sức ép về đất đai, như nước Mỹ chẳng hạn, mới có đủ không gian cho những sân golf công cộng (public golf course), người chơi cứ việc vác gậy tới đánh miễn phí (tất nhiên ở những sân loại này cỏ hơi xấu một tí và ai chơi thì tự phục vụ lấy), chỉ cần có 1.000USD là có thể chơi golf được.


Nhưng phần lớn ở những nước mà đất đắt như vàng thì việc dành ra hàng trăm ha chỉ để… trồng cỏ và dùi mấy cái lỗ (!) xem như golf là môn thể thao phải đầu tư “cơ sở hạ tầng” cực nặng, nên muốn trở thành golfer, có tiền thôi chưa đủ mà phải có rất nhiều tiền!


Phí hội viên của một sân golf ở Việt Nam hiện nay đã giảm so với những năm trước khá nhiều, rẻ thì còn xấp xỉ 10.000USD/loại thẻ đơn (individual member), đắt thì khoảng 30.000 - 40.000 USD. Con số này sẽ thay đổi tùy theo các loại thẻ: thẻ gia đình, thẻ công ty, thẻ cho người nước ngoài (cao giá hơn).


Ngoài ra, một số sân còn có loại thẻ thành viên – corporale floating member, có thể sử dụng nhiều dịch vụ khác (phần lớn các sân golf ngày nay đều được xây dựng như một tổ hợp giải trí cao cấp) và một số quyền lợi từ sân golf thì phí lên tới 100.000 – 120.000 USD (membership đối với golf có giá trị lâu dài, ở nước ngoài thường là giá trị suốt đời, ở Việt Nam thời hạn tùy thuộc vào thời hạn thuê đất của các sân golf).


So với một vài nước trong khu vực, Nhật Bản có sân golf với giá mua thẻ hội viên lên tới nửa triệu USD mà không phải ai cũng mua được, giá chơi golf ở ta như thế còn rẻ chán, song nó vẫn là trong mơ đối với số đông. Hội viên sẽ được miễn lệ phí sân khi chơi, nhưng vẫn phải trả phí dịch vụ (caddie) quãng 15 USD/một lần chơi, cộng với những chi phí lặt vặt khác (ăn uống, tiền tip cho người phục dịch...) chừng 50USD tổng cộng.


Còn nếu không phải hội viên, vào chơi một lần bạn mất sơ chừng 200 USD (nặng nhất là lệ phí sân, ngoài ra còn phải thuê gậy, ăn uống, chi phí cho người phục dịch và tiền tip). Chưa kể, trước khi có thể ra sân, bạn phải trải qua ít nhất 3 tháng trên sân tập (TP. HCM hiện có hàng chục sân tập golf) chi phí cho thầy, chi phí thuê sân và thuê bóng chừng 10 triệu đồng/khóa. Một bộ đồ nghề dĩ nhiên phải gồm một bộ gậy golf (14 cây), túi golf, găng tay, giá thấp nhất 500 USD, giá cao nhất một bộ golfer ở Việt Nam hiện nay sử dụng lên tới 35.000USD. Và đương nhiên cũng cần một "bộ vía" cho xứng tầm.


Thế nhưng chỉ có rất nhiều tiền thì đường đến sân golf có khi vẫn ngoài tầm tay với nếu người rất nhiều tiền ấy không có rất nhiều thời gian dành cho golf. Golf là môn chơi tốn thời gian không kém tốn tiền. Để có sân chơi, ngay cả khi là hội viên, bạn cũng phải đặt trước, nếu tới trễ so với lịch đặt, bạn sẽ phải đợi sau những nhóm chơi khác. Đánh hết 1 vòng (round) 18 lỗ, với một tay chơi trung bình mất chừng 4-5 giờ đồng hồ. Như vậy, mỗi buổi đánh golf (dạng chơi nghiệp dư) mất ít nhất từ nửa tới trọn một ngày, chưa kể thời gian di chuyển sân golf. Vietnam Golf & Country Club là sân golf gần TP. HCM nhất (20 km) cũng mất gần 1 giờ chạy xe.


Nhưng cái thú của dân chơi golf là cảm giác khám phá sân lạ, nên một golfer có cỡ thường có trong túi vài ba thẻ membership ở các sân khác nhau. Đánh ở sân Thủ Đức mãi chán, nhiều golfer ở TP. HCM lại kéo nhau đi Sông Bé, hoặc Đà Lạt. Chủ Resoft Bình An đẹp nổi tiếng bên bờ biển Vũng Tàu ít khi ở nhà mặc dù sân golf Paradise ở cách đấy không xa, thích rong ruổi ngoài sân golf Phan Thiết vì ở đấy có 1 lỗ (lỗ thứ 9) nằm trong danh sách 500 lỗ golf đẹp nhất thế giới (the Best 500 Holes in the World) do tạp chí Golf của Mỹ xếp hạng năm 1999. Lâu lâu hứng lên, từ TP.HCM sang Thái Lan hay Singapore chỉ để “thử” một golf course lạ, hay một lỗ “đặc biệt”. Một ông giám đốc vẫn phải lo tiến độ sản xuất hàng ngày, lo quản lý hàng ngàn công nhân… xem như chưa thể vươn tới thú chơi này. Golf quí tộc chủ yếu là vì vậy chứ không hẳn vì tốn tiền đầu tư.


Tốn tiền để cực… sướng?


Chơi golf tốn tiền, chuyện ấy khỏi phải bàn. Nhưng mà sướng gì nhỉ ở cái trò đi lang thang trên cỏ, dùng gậy tìm cách đẩy trái bóng nhỏ như quả bóng bàn vào lỗ? Dân "ngoại golf" 100% đều có lời “phán” như vậy. Nào đã hết. Trời nắng thì nắng rát mặt, vỡ đầu, chỉ đi theo golfer đến lỗ thứ hai đã thấy oải, còn golfer ai nấy bôi kem chống nắng nhễ nhại như chuẩn bị đi… đánh trận. Gặp hôm đang chơi bất chợt trời mưa thì coi như xong! Trên sân có lều, trạm dừng chân nhưng chúng tôi ở khá xa nhau, bữa đó đành chọn giải pháp đứng che dù chịu trận tại chỗ.


Kết quả là dù cũng chẳng ăn thua giữa “đồng không mông quạnh” gió tạt mưa từ tám hướng, các “đại gia” ướt lướt thướt, sau một hồi chịu không nổi phải bấm điện thoại gọi xe ra rước về. Cô gái nào trót lãng mạn hóa hình ảnh "đại gia” golfer trên sân golf như các nhà làm phim "Lưới trời" – trong phim này "đại gia” vừa chơi golf vừa có người đẹp thư ký váy ngắn chân dài đi theo che dù phục vụ, cầm sổ ghi chép – sẽ thất vọng vì sân golf thực sự và những golfer thực sự không "làm màu", cũng không "chơi bời" với golf như vậy.


Qui định của sân golf rất chặt chẽ: vào sân phải mặc áo thun có cổ, quần kaki (không được phép mặc quần jean), quần soóc có độ dài theo qui định, giày thể thao đế bằng, nữ không được mặc váy, và khi golfer chuẩn bị vụt gậy, người xung quanh phải tuyệt đối im lặng! Thế nên hiểu cái sướng của golf theo kiểu hưởng thụ thông thường là vô nghĩa ở đây.


Một golfer có hạng trong giới doanh nhân chơi golf ở TP.HCM, anh Ngô Hồng Chuyên, thú nhận rằng 7 năm trước, khi chưa đụng đến gậy golf, hễ cứ bật tivi lên thấy golf là cho qua ngay vì chán. Thế nhưng bây giờ bật tivi lên là xem golf, cuộc sống, tính cách cũng thay đổi từ khi có golf (cứ như là "đời anh thay đổi từ khi có em…”). Tính tình bớt nóng, điểm handicap giảm (handicap thể hiện trình độ golfer, handicap càng nhỏ càng thể hiện trình độ cao, với các golfer chuyên nghiệp thì handicap bằng 0) đi cùng với thành công trong kinh doanh của Bia Hoa Viên, quán bia Đức nổi tiếng nhất ở TP.HCM hiện nay.


Ông chủ Hoa Viên quán này còn có cái thú rất "VIP" là thỉnh thoảng được mời xách gậy đi đánh ở những giải golf quốc tế (dành cho các tay golf nghiệp dư). Tháng rồi mới qua Úc dự giải do Mercedes tài trợ, giành điểm cao nhất trong số 6 tay golf Việt Nam tham gia giải này, anh lại được mời tiếp tục sang dự giải tại Đức. Du lịch cỡ VIP, mà không cần tốn một đồng xu nào, thậm chí còn ôm tiền về nếu giật giải.


Cái thú của golf cũng mênh mông như sân golf hàng trăm ngàn mét vuông, mỗi golfer ở thứ hạng, đẳng cấp của mình cảm nhận sự thú vị, niềm sung sướng một cách khác nhau.


Với giám đốc điều hành tập đoàn Nam An (Nam An Group & Phở 24) Lý Quí Trung, đến với sân golf là đến với “môi trường yên tĩnh và rất thiên nhiên", là nơi "tầm nhìn được nới rộng, bù lại cái không gian chật hẹp của các dãy nhà cao tầng". Với luật sư Phan Trung Hoài, "golf là môn thể thao mang trong mình tinh thần cao thượng, fair- play, đòi hỏi những ứng xử chuẩn mực với bạn chơi và chính mình" (Trên sân golf người chơi tự ghi điểm và đếm gậy, chỉ trong trường hợp không chắc về cách tính điểm hay cách xử lý bóng mới yêu cầu trọng tài, mặc dù luật chơi của golf khác rắc rối và phức tạp).


Với những golfer dày kinh nghiệm "golf trường", mỗi cuộc golf vừa là một cuộc đối đầu với đối thủ vừa là cuộc đấu với chính mình. Khác với hầu hết những môn thể thao có thi đấu đối kháng, golf không đấu loại trực tiếp từng đối thủ theo kiểu 1 đấu 1 mà luôn phải đấu cùng lúc với tất cả (có khi lên đến cả trăm người). Thắng thua ở golf luôn bất ngờ, golfer không thế thủ (như bóng đá) để giành chiến thắng.


Không ổn định, luôn thay đổi, luôn bất ngờ là sự khác biệt của sân golf so với bất cứ sân thi đấu thể thao nào. Bởi sân golf không tuân theo bất cứ một qui cách nhất định như sân bóng, như bàn billard… Thế giới có bao nhiêu sân golf là bấy nhiêu sự khác nhau, về địa thế, về độ nghiêng, về cỏ, về chướng ngại vật. Trên một sân thì tốc độ gió, độ cao của cây cỏ cũng khác nhau ở mỗi cuộc chơi, ngay cả vị trí các lỗ cũng mỗi khác.


Thường trước những giải thi đấu chuyên nghiệp, sân golf có thể đóng cửa tới 3 tháng để chuẩn bị (chăm sóc cỏ cho vừa độ cao, độ dày, chuẩn bị lỗ golf) và các golf thủ chỉ được phép vào sân 1 ngày trước khi chính thức thi đấu. Ngày vào sân trước đối với các “thí sinh” rất quan trọng, mọi nghiên cứu về địa hình, điều kiện sân, đặc điểm từng lỗ golf đều được ghi chép rất cẩn thận.


Điểm khác biệt thú vị nữa của golf là luật chơi cho phép người mới chơi cùng các đối thủ lão luyện mà chưa thể biết "mèo nào cắn mỉu nào" nhờ luật "chấp gậy": căn cứ vào điểm handicap để những người có handicap thấp phải chấp người có handicap cao số gậy đúng bằng độ chênh lệch giữa hai điểm handicap. Người chấp gậy chưa chắc thắng, bên được chấp gậy chưa chắc thua.


Bởi vậy, chiến thắng trên sân golf là sự hội tụ của nhiều yếu tố. Thắng của đầu óc tính toán chính xác (đầu tiên là để chọn gậy – 14 cây trong bộ golf với độ nghiêng đầu gậy khác nhau quyết định đường đi khác nhau của bóng và sau đó là để tung những cú bóng chuẩn xác). Thắng của sự điềm tĩnh (golf không phải là môn thể thao đòi hỏi phản ứng nhanh). Thắng của sự quyết đoán nhưng không quá phưu lưu liều mạng (khi xử lý những tình huống khó như bóng sau gốc cây, bóng trong hố cát). Thắng của trí tưởng tượng phán đoán (vì luôn luôn đối mặt với sự mới, lạ). Thắng của thái độ không coi thường, khinh địch.


Và đương nhiên cần đến sức khỏe, sự dẻo dai, kỹ thuật điêu luyện nhờ sự kiên trì tập luyện (golf đặc biệt đòi hỏi sự dẻo dai linh hoạt trên toàn bộ cơ thể, có những cơ gần như chỉ hoạt động khi chơi golf). Đặc biệt không gian mở của môn golf khiến cho sân golf không chỉ là một sân chơi thể thao mà có khi còn là một "phòng họp", một "không gian giao lưu" lớn. Đây chính là lý do khiến cho dân ngoại giao và dân kinh doanh lớn thường chọn golf là môn chơi gần như bắt buộc, khi golf bên cạnh thú chơi còn là ngôn ngữ để giao tiếp.


Và làm giàu một cách an toàn nhất! Vung gậy, 1 cú vụt, trái bóng bay về đích, kéo dài vài phút là cùng, và bạn có thể kiếm được ngay 1 triệu USD! Đây hoàn toàn không phải câu chuyện cổ tích.


Năm ngoái, giải golf Cú đánh triệu đô (Million dollar school - out) dự kiến tổ chức tại sân Đồng Mô, treo phần thưởng lớn nhất là 1 triệu USD cho cú đánh hole-in-one (1 gậy vào lỗ) trong ngày thi đấu cuối cùng. Rất tiếc là sau đó giải này không tổ chức được vì "phạm qui" bởi vì một giải nghiệp dư không được phép trao giải thưởng lớn như vậy. “Một triệu và nhiều hơn thế" là những giải bình thường tại các giải thi đấu golf quốc tế (hạng chuyên nghiệp).


Như tay golf số 1 thế giới Tiger Woods chẳng hạn chiến thắng tại một giải đấu như British Open Championship 2006 vừa qua đã mang lại cho anh 1,33 triệu USD. Không môn thể thao nào kiếm tiền nhanh, nhiều và an toàn như golf – một golfer đúc kết. Trong một giải đấu kéo dài thông thường chừng 4 ngày, golfer có thể kiếm được 1-2 triệu USD giải thưởng mà gần như an toàn tuyệt đối khỏi các chấn thương (như đối với vài môn thi đấu có giải thưởng cao tương tự song mức độ nguy hiểm khá cao là quyền Anh). Mỗi năm trên thế giới có chừng 300-400 giải thi đấu golf, tha hồ mà đấu, nếu có sức.


Hole-in-one là cú đánh kiếm tiền nhanh nhất, tuy nhiên, cũng khó nhất và phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn. Trong bất cứ giải thi đấu nào, thậm chí trên sân golf những ngày không có giải đấu, các nhà tài trợ vẫn treo giải "hole-in-one" cho 1 lỗ nhất định. Nếu không trong giải thi đấu, đánh một cú hole-in-one ở lỗ có treo giải thưởng, golfer sẽ được nhận được “giải còm" là 1.000USD hoặc một cặp vé máy bay du lịch.


Tại các giải thi đấu chính thức, giải thưởng được trao thịnh hành nhất là xe hơi: "Cú đánh 1 xe Mercedes” hoặc “Cú đánh 1 xe BMW”… Tỉ lệ đánh thành công cú hole-in-one trên thế giới của các tay golf nghiệp dư chỉ là 1/5.000. Người được xem là thành công nhất ở Việt Nam trong cú đánh này là ông Lê Xuân Phương (còn có biệt danh là "Tiger" Phương, hội viên CLB Vietnam Golf & Country Club) và ông Nguyễn Văn Hào (Việt kiều Mỹ) 3 lần vào lỗ chỉ với 1 gậy.


Tuy nhiên cả hai người này đều không thành công trong giải đấu chính thức. Một lãnh đạo Bộ công an được xem là người Việt Nam duy nhất "dùng 1 gậy lấy được xe hơi” tại một giải thi đấu, tuy nhiên giải lần đó khá “hẻo”: chỉ là một chiếc xe Matiz trị giá hơn 10.000 USD. Một chiếc BMW và một chiếc Ssangyong cũng có chủ sau cú hole-in-one tại một giải thi đấu khác, song chúng về tay 2 golfer nước ngoài.


Ngoài giải hole-in-one, mỗi giải đấu còn có nhiều giải thưởng lớn khác lên tới vài chục ngàn USD, thậm chí, trong giải " Million dollar shool-out" dự kiến tổ chức tại Đồng Mô nói ở trên, tổng giải thưởng trong 3 ngày thi đấu lên tới 500.000 USD.


Tính sơ sơ vậy nhưng thật ra hiện tại ở Việt Nam hầu hết dân chơi golf không phải nhằm mục tiêu thi đấu kiếm tiền vì chơi nghiệp dư là chính. Kiếm tiền từ golf còn là chuyện của tương lai, khi một vài tài năng golf trẻ Việt Nam có điều kiện để trở thành dân pro (chuyên nghiệp). Trở thành một golfer đã khó (và tốn kém), thành môt pro-golfer con đường còn dài và gian khó (và tốn kém) bội phần.


Nguồn: dddn.com.vn


 


 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét