Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

KHI ÔNG ĐÀO HỒNG TUYỂN "CHÉM GIÓ" VỀ TÀU KHÔNG SỐ

Khi ông Đào Hồng Tuyển “CHÉM GIÓ” về tàu không số

  • NVM Blog: Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết lạ với cách nhìn đa diện và mới mẻ về đại gia Đào Hồng Tuyển từ những cảm nhận tại một cuộc họp báo. Mọi sao chép, đăng  tải, sử dụng thông tin từ bài này phải được sự đồng ý của tác giả blog
    .
Sáng 29/9/2011, Hội Nhà Văn Việt Nam và Ban liên lạc Hội CCB đoàn tàu không số tổ chức lễ ra mắt sách và phim tài liệu mang tên “Huyền thoại tàu không số” do hai nhà văn Minh Chuyên và Đình Kính là tác giả chính. Tại hội nghị này,  có sự có mặt của nhiều cựu chiến binh tàu không số với những mái đầu đã bạc trắng và có sự có mặt của ông Đào Hồng Tuyển, doanh nhân, Phó Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, người được ông Hữu Thỉnh giới thiệu là một “đại gia” và được đại diện tham gia ghế chủ toạ cùng với ông Thỉnh cùng hai nhà văn tác giả kịch bản phim và cuốn sách. 


Có mặt trong gian phòng nhỏ của hội nghị hôm ấy, lần đầu tiên tôi được thấy đại gia Đào Hồng Tuyển dù trước đó đã được đọc khá nhiều bài báo về ông. Bên cạnh những điều khâm phục ý chí, nghị lực, thành quả kinh tế lớn lao mà ông đạt được qua báo chí phản ánh, thật đáng tiếc, những gì chứng kiến ông thể hiện tại lễ ra mắt cuốn sách, bộ phim nói trên đã đọng lại trong tôi không ít điều thất vọng về ông Tuyển.

 
Trong bộ quân phục hải quân còn khá mới với đầy đủ mũ, áo, ông Tuyển xuất hiện với quân hàm...trung tá. Sau khi được giới thiệu, ông đã đứng lên phát biểu khá dài, xin được lược ghi vài ý chính như sau: “ Người lính đoàn tàu không số trong chiến tranh đã thầm lặng và trong thời bình cũng có một cuộc sống lặng lẽ, hơn 80% các đồng chí người lính đoàn tàu không số hiện sống dưới mức nghèo khổ. Bởi lẽ như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói, các đơn vị khác trong chiến tranh có thể được tuyên dương, những chiến công của họ ngày hôm sau, hoặc tháng sau, năm sau đã được mọi người biết đến. Nhưng chúng tôi thì chưa”. 
Ông Tuyển cũng “khoe” rằng: Tôi là người trẻ nhất của đoàn tàu không số trong chiến tranh, tôi có 5 năm chiến đấu trên đoàn tàu không số trong chiến tranh, chính tôi là người chở cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Bắc. Trong chiến tranh, chúng tôi tuyệt đối không được gần gia đình, không được thư từ, có đồng chí đi qua gia đình chỉ cách vài mét không được về nhà. Có những đồng chí 10 năm không được liên lạc với gia đình, riêng tôi có 4 năm không được liên lạc với gia đình”. Cũng theo ông Tuyển, sau chiến tranh, hầu hết anh em “tàu không số” đều không có chế độ. Bởi chính sách là phải liên tục ở chiến trường 6 tháng thì mới có chế độ. Nhưng những người lính tàu không số, nếu chuyến đi thành công chỉ có 9 ngày là vào đến miền Nam và ngay trong một đêm bốc hàng, vũ khí xong phải quay trở ra. Như vậy làm gì có liên tục 6 tháng. Nếu ở lại quá 6 tháng thì chỉ có những người bị địch bắt. Ngay cả khi hai miền thống nhất, vì bí mật để đề phòng nếu đất nước tiếp tục có chiến tranh sẽ còn sử dụng lại tuyến đường, nên lính “tàu không số” vẫn phải giữ bí mật về con đường”. 


“Những năm tháng tuổi trẻ, những người lính đoàn tàu không số sống ẩn nấp dưới biển. Bây giờ chúng ta phải nói một sự thật về những chiến công năm xưa. Có lẽ đây cũng là cơ hội để chúng tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn nhân dân”. Sau đó, ông Tuyển có kể về những năm tháng chiến đấu ở biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Cam-pu-chia, bật mí nhiều đau thương, mất mát khác. Tuy nhiên, đáng chú ý ông lại đưa ra kết luận: “Dân tộc ta quá đau khổ, sự mất mát của chúng tôi cũng là điều bình thường thôi!”
Trong lúc phát biểu, ông Tuyển có lúc đã phải dừng lại tới hơn một phút vì nghẹn ngào, xúc động. Ông khóc...Sau đó, ông mới tiếp tục phát biểu được tiếp đoạn cuối và nhắc lại con số: Hơn 80% cựu chiến binh tàu không số hiện sống “dưới mức nghèo khổ”.


Công bằng mà nói thì phát biểu của ông Tuyển khá xúc động và ấn tượng, nhưng nghe rồi, cộng với những gì ông đã và đang thể hiện, tôi vẫn thấy không ít điều đáng băn khoăn, chưa đồng tình:

Một là, ông Tuyển có nói: Tôi là người trẻ nhất của đoàn tàu không số trong chiến tranh, tôi có 5 năm chiến đấu trên đoàn tàu không số trong chiến tranh. Theo thông tin về cá nhân ông được nhiều nhà báo như Xuân Ba, Hồng Thanh Quang, Đình Kính viết thì ông sinh năm 1954, 16 tuổi đã nhập ngũ gia nhập đoàn tàu không số, sau đó tham gia chiến đấu ở Cam-pu-chia. Không rõ thời quân ngũ của ông làm tới cấp bậc, chức vụ gì nhưng khi tham gia các hoạt động của Ban liên lạc CCB tàu không số, thường thấy ông khi thì đeo quân hàm thượng tá, lúc lại đeo quân hàm trung tá. TRong 10 tập phim “Huyền thoại tàu không số”, cũng thấy ông xuất hiện trong phim với quân hàm trung tá, thượng tá. Bên hành lang cuộc họp báo hôm ấy, tôi có hỏi ông về điều này thì ông Tuyển nói vui: “Cấp của anh... to lắm, lẽ ra anh phải là...Thượng tá cơ!”. Tuy nhiên, tôi đã được nghe một số cựu chiến binh tàu không số phàn nàn về việc này. Có người nói ông Tuyển mới chỉ mang hàm...

Trung uý chuyên nghiệp hay Thượng uý mà thôi. Kể cũng có lý, bởi những năm chiến tranh, nếu mang hàm thượng tá, ông Tuyển phải chức vụ cỡ... sư đoàn trưởng! Ông tự nhận mình là “trẻ nhất trong đoàn tàu không số” vậy mà ông đeo quân hàm to hơn cả những bậc tiền bối từng vào sinh ra tử, chiến công lẫy lừng chỉ để cho...hoành tráng, cho oai, hay nói thẳng ra là tiện cho việc...chém gió, xem chừng chưa phải phép! Không chỉ thế, đó còn là sự xúc phạm với phù hiệu, cấp hiệu thiêng liêng mà mỗi người lính phải phấn đấu, cống hiến bằng bao năm tháng, bao chiến công mới có thể đạt được. Thiết nghĩ ông Tuyển nên xem lại việc này. Ngạn ngữ có câu “cái áo không làm nên ông thầy tu”. Dĩ nhiên rồi, chỉ cái áo sao làm nên ông thầy tu nếu ông ấy không...mặc quần. Nhưng với người lính, quân hàm, cấp hiệu giả không tạo nên người lính thực thụ. Xin đừng xúc phạm vì đó là quân phong quân kỷ!

Hai là, ông Tuyển, vì sự tâm huyết với hoạt động của ban liên lạc và với dịp kỷ niệm 50 năm tàu không số, hẳn đã tài trợ, giúp đỡ rất nhiều. Và với tư cách Phó chủ tịch Ban liên lạc, việc ông được ưu tiên đứng lên phát biểu cũng là điều có thể chấp nhận. Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên và thật sự sốc nặng khi nghe ông Tuyển nói: Dân tộc ta quá đau khổ, sự mất mát của chúng tôi cũng là điều bình thường thôi!”. Thưa ông Tuyển, đúng là đau khổ, mất mát của ông khi tham gia đoàn tàu không số thì “bình thường thôi”, bởi như ông nói, ông chỉ có 5 năm hoạt động ở đây, mà ở vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, nên cái khổ như ông kể cũng chỉ là “4 năm không liên lạc với gia đình”. Nhưng với bao thế hệ CCB tàu không số, thì đau khổ, mất mát không thể là “bình thường thôi” , thưa ông Tuyển. Tôi được biết, đã có tới hàng nghìn người hi sinh (nếu tính cả số người ở các bến bãi) vì con đường cứu nước, con đường “rạch biển Đông cứu lấy sơn hà” này. Tôi cũng xin trích dẫn thêm lời phát biểu của chính nhà văn Đình Kính tại buổi họp hôm ấy để ông xem những mất mát ấy có “bình thường thôi” không. Một nhà báo đã ghi lại thế này, thưa ông: “Nhà văn Đình Kính tiếp lời: “Một số nhà báo có hỏi tôi là trong quá trình viết lại hành trình “tàu không số”, tôi nhận ra điều gì. Xin thưa, điều tôi nhận thức được là hai chữ nhân dân và tôi mới thấu hiểu thế nào là nhân dân. Sự hi sinh của nhân dân cũng như những người lính năm xưa vĩ đại ở chỗ họ không tự nhận là “công thần”, đó là một nghĩa vụ hiển nhiên khi đất nước có giặc. Khi đất nước hết giặc họ lại trở về con người thường và không hề đòi hỏi một cái gì cả. Một con đường huyền thoại nhưng chỉ có 4 người được phong anh hùng, còn với tôi, tất cả đều là những anh hùng. Trên lộ trình lần theo dấu tích đoàn “tàu không số”, nhà văn Đình Kính đã gặp câu chuyện phía sau huyền thoại, những câu chuyện chưa bao giờ kể. Khi ta xây dựng bến ở rừng đước Cà Mau để đón vũ khí vào, bí mật tuyệt đối, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhưng một anh lính trẻ, mới cưới vợ, nhớ nhà, nhớ vợ nên trốn về. Đơn vị giải thích rồi, anh vẫn trốn. Một đêm, khoảng 3 giờ sáng anh lại bỏ đơn vị về. Đồng chí chính ủy giật mình, đứng trước sự sống còn của con đường, sự sống còn của bến bãi, của bao nhiêu đồng đội, ông phải xử lý thế nào? Ông cho một đội đuổi theo khuyên anh lính trẻ quay trở lại, nếu cậu ta vẫn không quay lại thì anh em có thể “xử lý”. Và người chiến sĩ đó đã bị chính đồng đội của mình bắn. Đêm hôm ấy người chính ủy thức trọn đêm và không chỉ đêm ấy, cả cuộc đời còn lại của ông là sự dằn vặt ghê gớm. Ông không biết hành động đó đúng hay là sai. Nhà văn Đình Kính khẳng định: “Tôi thấy đấy là sự hi sinh vô bờ của người chính ủy. Ông, để giữ con đường mà phải làm một việc mà chính mình cũng đau”. Một lần, con tàu chở vũ khí bị lộ, buộc phải hủy. Chiến sĩ rút lên bờ, đặt mìn hẹn 30 phút để con tàu nổ. Nhưng 30 phút tàu không nổ, 45 phút tàu vẫn không nổ. Sợ lộ mục tiêu, 2 chiến sĩ vội bơi ra cài lại thuốc nổ, vừa bơi được đến gần thì tàu nổ, xác họ tan ra. Hôm sau đồng đội tìm được đúng một cái chân, không hiểu là của người nào. Bây giờ, ở nghĩa trang Đức Phổ, có một ngôi mộ mang tên 2 người nhưng trong ngôi mộ đó chỉ có một chân duy nhất”.

          Tôi cũng xin bổ sung để ông hay: “chúng tôi, những nhà báo có dịp chạm lướt vào một phần quá khứ với những cuộc gặp gỡ một số cựu chiến binh tàu không số, cũng đủ đọng lại bao day dứt phía sau ngòi bút. Một ông Huỳnh Ba ở Đà Nẵng, người thuỷ thủ cuối cùng còn sống của chuyến tàu gỗ đầu tiên đã trải qua cuộc đời thầm lặng, cơ cực mà chưa hề nghĩ rằng mình góp công “khai thiên lập địa” con đường, ở tuổi 87 mới được ở nhà xây, một ngôi nhà tình nghĩa. Một máy trưởng Phan Nhạn vợ mất sớm, gà trống nuôi 3 con nay đã ở tuổi 80, con cái chưa có công việc ổn định, lại lo nuôi cháu trong ngôi nhà dột nát ở Nha Trang. Một “La Văn Cầu của tàu không số”, anh Phan Hải Hồ ở Nam Định, người xin chặt chân mình để đánh tàu địch lúc về quê chỉ còn một chân vẫn phải đi cày, nuôi lợn nhưng lại dành tiền huân chương để về Cà Mau viếng mộ đồng đội. Một chính trị viên Đỗ Như Sạn ở Thanh Hoá gan góc, dạn dày cũng nghỉ chế độ sớm, vợ mất sớm, gà trống nuôi con, chống chọi với bệnh tật, thu nhập chính dựa vào lương hưu và vườn rau má... Đó là chưa kể còn biết bao nỗi đau tinh thần đang đè nặng trái tim người đang sống: Nhiều người vợ, người con thuỷ thủ tàu không số vẫn chưa tìm thấy hài cốt chồng, cha mình. Nhiều người đáng được hưởng chế độ thương bệnh binh nhưng chưa được hưởng vì thủ tục quá nhiêu khê. Má Mười Rìu thời chiến tranh cho cách mạng vay 10 cây vàng và chạy vạy bà con thêm 20 cây mua thuyền cho cách mạng với lời hứa của cấp trên “cách mạng thành công sẽ trả” nhưng rồi hoà bình, má phải còng lưng buôn thúng bán mẹt để gom trả bà con mà không một lời đòi hỏi. Chỉ đau lòng trường hợp người con trai duy nhất của má cũng là thuỷ thủ tàu không số bị nghi ngờ oan, mãi mới được kết nạp Đảng trở lại. Vợ cố Anh hùng Hồ Đức Thắng cũng vì giữ bí mật con đường mà chấp nhận bị khai trừ khỏi Đảng và rồi người ta cũng quên chuyện này khi thời bình. Có cả trường hợp con cái thuỷ thủ tàu không số do chiến tranh mà rơi vào cảnh éo le, oan khuất, mất cả nhà cửa nay vẫn chưa đòi lại được...

Những hi sinh ấy, có thể là “bình thường thôi” được sao?Ba là, con số hơn 80% CCB tàu không số đang sống dưới mức nghèo khổ mà ông Tuyển đưa ra cũng khiến tôi băn khoăn không kém. Không rõ con số này ông lấy từ đâu, có chính xác không. Nếu là chính xác thì...đau lòng quá! Tôi được biết, hiện chỉ còn hơn 1000 CCB tàu không số và nếu tính cả lực lượng ở các bến bãi thì có khoảng 2000 hội viện Ban liên lạc Đường Hồ Chí Minh trên biển. Để giúp đỡ 80% số người này không còn sống “dưới mức nghèo khổ”, không rõ ông Tuyển đã giúp đỡ anh em được những gì. Tôi được biết, có nhiều lần ông đã nói với báo chí, ông có tài sản hiện khoảng 2 tỷ đô-la Mỹ. Và ông cũng đã từng làm nhiều việc thiện, tặng những biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng cho...đồng bào bị lũ lụt, cho Viện toán Cao cấp của Giáo sư Ngô Bảo Châu.Vào cuối tháng 4/2011 tại Hà Nội, thông qua ngài Yasuaki Tanizaki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Đào Hồng Tuyển đã gửi tặng nhân dân Nhật Bản số tiền 1 triệu USD.Ông là đại gia, cho ai, tặng ai cái gì là quyền của ông và ở góc độ kinh tế, cho như thế nào để hiệu quả cho...thương hiệu cũng là một bài toán nữa, tôi không dám so sánh ở đây.

Mặc dù ông đã giúp đỡ Ban liên lạc CCB tàu không số và giúp đỡ các CCB được khá nhiều nhưng quả thực, tôi vẫn chưa thấy một sự giúp đỡ nào đối với các cựu chiến binh tàu không số đạt mức “hoành tráng” như những việc ông đã làm, cho tương xứng với những giọt nước mắt xúc động vì đồng đội mà ông đã rớt trong cuộc họp báo. Và cũng từ con số ông đưa ra, khiến tôi day dứt nghĩ về một câu chuyện khác. Tôi vừa đọc được trên một trang web bản thuyết minh dự án “Công viên tàu không số” ở Bến Tre (đã khởi công năm ngoái) với kinh phí dự trù lên tới 1500 tỷ đồng mà lại quá mông lung, dàn trải, thậm chí nhiều hạng mục rất lôm côm, tuỳ tiện. Không thể không day dứt khi chính những người làm nên huyền thoại còn đang sống chật vật thì có nơi, người ta lại “vẽ” ra dự án công viên tàu không số với tổng đầu tư lên tới 1500 tỷ đồng, có nhiều hạng mục dàn trải, lãng phí mà chỉ cần trích một phần nhỏ trong số tiền ấy, đủ chăm sóc, tôn vinh những “pho sử sống” một cách thiết thực. Không thể không day dứt khi mùa thu này là tròn nửa thế kỷ chúng ta kỷ niệm ngày khai sinh một con đường cứu nước và cũng đã hơn 36 năm, con đường ấy góp phần mang về ngày toàn thắng. Không thể không day dứt khi từ lâu rồi, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc từng đề ra một chỉ tiêu: Làm sao để các gia đình chính sách có mức sống cao hơn mức trung bình ở mỗi địa phương!

Bốn là, tôi cũng ngạc nhiên và...thất vọng khi tại buổi họp báo hôm ấy, Hội nhà văn Việt Nam do ông Hữu Thỉnh đọc lời dẫn đã tặng kỷ niệm chương cho ông Đào Hồng Tuyển vì những đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Một cái kỷ niệm chương nho nhỏ, vui vui, chẳng có có gì quá quan trọng, kể ra thì cũng “được” so với những tài trợ của ông dành cho hội nhà văn. Nhưng lại được trao trong buổi họp về huyền thoại tàu không số, mà những người làm nên huyền thoại, những CCB tóc bạc phơ còn ngồi đầy cả đấy, xem ra không mấy phù hợp. Đáng buồn hơn, có tờ báo sau đó đã đưa tin với những câu đại loại “vì những đóng góp của ông Đào Hồng Tuyển cho nền văn học nghệ thuật nước nhà”. Chẳng rõ ông Tuyển đóng góp gì cho “nền” văn học nghệ thuật mà viết nghe “nổ” kinh hoàng thế!Vài điều viết ra trên đây, là ý kiến của cá nhân tôi, có thể còn nặng cảm tính cá nhân nhưng tôi nghĩ là nhiều điều mà không ít người đồng tình. Xin được lấy lời một bài báo viết về ông Tuyển để kết thúc bài này: “Quá khứ không nói lên điều gì nếu tương lai không nói lên điều gì”. Muốn nói lên một điều gì đó, theo tôi, trước hết phải tôn trọng sự thật, nói cho đúng, cho chuẩn đã chứ đừng “chém gió” tràn lan!

Blog Nguyễn văn Minh
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét