Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Buổi tổng kết V-League 2011: Náo loạn chưa từng

Buổi tổng kết V-League 2011: Náo loạn chưa từng

SGTT.VN - Sau 10 năm thử nghiệm cho giải đấu chuyên nghiệp, mùa giải 2011 được coi là mùa giải đầu tiên bóng đá Việt Nam bước vào con đường chuyên nghiệp. Và ở lần tổng kết mùa giải hôm nay 8.9, một khung cảnh náo loạn chưa từng có đã diễn ra khiến không ít người bất ngờ, bởi sau vẻ êm đềm bên ngoài, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) “nát” hơn người ta tưởng.

Tiêu cực là có thật

Bầu Kiên của HN ACB đã nhận được sự đồng tình từ các câu lạc bộ khi nói thẳng về những tiêu cực của mùa giải. Ảnh Quang Minh

Theo đúng thông lệ hơn 10 năm qua, buổi họp tổng kết mùa giải sẽ không có sự tham dự của giới truyền thông, chỉ sau khi buổi họp kết thúc giới truyền thông mới nhận được một số thông tin từ VFF. Thế nên mới có cảnh vài đại biểu được nhờ “cầm giúp” máy ghi âm vào phòng họp để người ta có thể biết thêm được những phản biện từ các đội bóng. Nhưng hôm nay, có một tình huống bất ngờ diễn ra khiến kịch bản “thành công tốt đẹp” như mọi lần đã không thành. Ngay trước phần thảo luận, ông Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch đội bóng Hà Nội ACB đã gửi giấy yêu cầu chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ, với nội dung “đề nghị cho phóng viên dự phần thảo luận”. Đây được coi là yêu cầu của nhiều đội bóng và chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đã không còn cách nào khác là đồng ý.

Ngay sau khi có mặt các phóng viên, hội trường nóng lên hẳn bởi các phát biểu của bầu Kiên. Ông cho rằng hơn chục năm qua ông không tham dự các cuộc tổng kết vì nó chẳng đi đến đâu, nhưng hôm nay ông phải tham dự vì không chịu nổi nữa. Ông Kiên nói thẳng, nói trọng tài được điều khiển như mafia cũng chẳng quá lời. Có luôn dẫn chứng, sự thật là bầu Long của Hòa Phát Hà Nội ngay trước trận đấu gặp Đồng Tâm Long An đã nhận được đề nghị chi 500 triệu đồng, trọng tài sẽ thổi giúp cho thắng trận, nhưng ông Long không chi. Từ đầu mùa bóng đến giờ, Hà Nội ACB và Hòa Phát Hà Nội là hai đội bóng không chi tiền cho trọng tài nên thường bị ép (?). Việc điều hành trọng tài do một nhóm người thực hiện nên càng lúc càng tệ. Chưa hết, những trận đấu “nồng nặc mùi” khiến dư luận bất bình như trận đấu giữa Sài Gòn Xuân Thành và SQC Bình Định hay trận đấu tranh cúp Quốc gia giữa Navibank Sài Gòn và Sông Lam Nghệ An, ai cũng thấy nhưng VFF không có những động thái chấn chỉnh khiến niềm tin về một giải bóng đá sạch ngày càng cạn. Phát biểu của ông Kiên khiến những quan chức của VFF có mặt thật sự sốc và nhận được sự tán thưởng của các đội bóng còn lại.

Chưa hết, ông Kiên lần lượt vạch ra các sai lầm do sự thao túng quyền lực ở VFF như việc ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình V-League đến 20 năm mà không có ý kiến của các câu lạc bộ. Hay như việc một ông bầu có đến hai đội bóng chơi ở cùng một hạng là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng mà VFF đã dây dưa đến ba năm không thể giải quyết cũng bị đưa ra hội nghị. Ông Kiên nói: “Tôi có cổ phần ở ngân hàng Kiên Long Bank nhưng tôi sẽ bán nó ngay trước khi mùa giải 2012 diễn ra, vì Kiên Long Bank và Hà Nội ACB sẽ chơi cùng ở V-League”.

Rõ ràng, không chỉ dưới mắt người hâm mộ mà sự tiêu cực đang hoành hành đã được chính các đội bóng, các ông bầu tâm huyết với bóng đá phản ứng và xác nhận. Lần đầu tiên VFF bị các đội bóng phản ứng quyết liệt đến thế.

Trưởng giải, tổng thư ký bị đề nghị “nên nghỉ”.

Phó chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã khiến nhiều quan chức VFF bất ngờ khi chỉ trích những đồng sự của ông. Ảnh Quang Minh

Nếu như việc phản ứng của các đội bóng được coi là dễ hiểu vì họ bị dồn nén bấy lâu nay thì phản ứng của ông Lê Hùng Dũng, phó chủ tịch VFF, công khai ngay giữa hội nghị đã chứng minh, ngay trong nội bộ của VFF cũng tồn tại sự bất tín nhiệm lẫn nhau.

Ngay sau khi các đội bóng đóng góp ý kiến của mình, ông Lê Hùng Dũng nói rằng vì quá bận công việc nên một năm ông chỉ họp được vài lần với lãnh đạo VFF khiến việc điều hành “chẳng ra gì”. Với tư cách là cổ đông lớn của Eximbank, ông đề nghị cấm cầm còi vĩnh viễn hai trọng tài đã giúp Hải Phòng trụ hạng ngoạn mục, nếu VFF không đồng thuận ông sẽ xem xét lại gói tài trợ cho V-League.

Dường như chưa hả, ông nói luôn, chủ tịch hội đồng trọng tài là ông Nguyễn Văn Mùi có con rể và con ruột là trọng tài đoạt giải còi vàng và còi đồng thì thử hỏi ai tin vào chuyện phiếu bầu có công minh không, việc điều hành cũng không thể khách quan. Ông Dũng khá nặng lời khi cho rằng hội đồng trọng tài đã không làm tốt vai trò của mình, ông lặp đi lặp lại đề nghị nếu ông Mùi không làm tốt nhiệm vụ của mình thì nên nghỉ.

Ông Dũng còn quay sang “vặc” luôn cả các đồng sự là quan chức VFF. Ông nói thẳng tưng giữa cuộc họp: “Nếu cảm thấy không làm được việc, việc điều hành quá kém thì anh Tuấn (ông Trần Quốc Tuấn - tổng thư ký VFF), anh Khôi (ông Dương Nghiệp Khôi - trưởng ban tổ chức giải) cũng nên nghỉ đi”. Đề nghị thẳng thừng của ông Dũng khiến không ít người tái mặt, cả khán phòng như náo loạn bởi từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ các quan chức VFF chỉ trích lẫn nhau quyết liệt đến thế trong buổi tổng kết có sự tham dự của phóng viên.

Buổi tổng kết của VFF chỉ có phần "tổng" nhưng không thể đi đến "kết", bởi nó quá khác với nhận định do ông Dương Nghiệp Khôi nói trước đó: “Mặc dù còn một số khiếm khuyết trên bước đường chuyên nghiệp hoá bóng đá tại Việt Nam, nhưng có thể khẳng định rằng: LĐBĐVN, ban tổ chức giải đã cùng với các câu lạc bộ, ban tổ chức trận đấu, các giám sát, trọng tài, các hội cổ động viên ở các địa phương đã có nhiều nỗ lực để giành được những kết quả đáng ghi nhận tại mùa giải 2011”.

Với sự phản ứng được coi là quá quyết liệt và bất ngờ từ các đội bóng và từ chính người trong liên đoàn, cuộc họp kín giữa các thường vụ VFF vào ngày mai 9.9 dự kiến sẽ còn nóng bỏng hơn nữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét