Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

AI ĐÃ TÌM RA NGÔI MỘ TẬP THỂ LIỆT SỸ TRÊN ĐÈO PHƯỚC TƯỢNG

Thông tin này là của bác Đào và báo Thừa thiên đưa tin.Thật không hiểu sao? Ai đã tìm ra ngôi mộ tập thể này? Riêng tôi thì tôi thấy cái video của mấy bà Nam đàn hơi hài hước.Chả nhẽ tìm mộ liệt sỹ mà tôi lại cười chứ cũng buồn cười thật.Tôi cũng biết anh Hạnh giám đốc cty này,mà hình như anh Hạnh có ý gì đây trong chuyện cúng bái này?

Buồn cười hơn nữa là được Bác hồ ủy quyền áp vong...

Chuyện hơi dài,mà clip cũng dàicác bác chịu khó xem rồi tự đặt câu hỏi...

BÁO THỪA THIÊN HUẾ ĐƯA TIN VỀ NGÔI MỘ TẬP THỂ 27 LIỆT SĨ TRÊN ĐÈO PHƯỚC TƯỢNG

 Phamvietdao.net:

Ngày 20/7/2011 Phamvietdao.net đã đưa lên mạng bức thư của chị Nguyễn Thị Bích Hồng là em gái của Liệt sĩ Nguyễn Cảnh Tuệ, cùng với đĩa ghi lại hình ảnh Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng tâm linh Nguyễn Cảnh Tuệ-Thị trấn Sa Nam-Nam Đàn, đã tìm thấy một ngôi mộ tập thể 28 liệt sĩ trên đèo Phước Tượng…-Theo Ls Nguyễn Cảnh Tuệ khi áp vong cho biết thì 28 Ls này là đơn vị thuộc Trung tâm đầu não hoạt động chính trị nằm trong lòng địch...
Còn theo sơn thần thổ địa thì trong số 28 liệt sĩ này có 9 người bị chặt đầu, 19 người còn lại bị chặt tay chân và các bộ phận trên cơ thể...

Bài giới thiệu và Clip được giới thiệu tại địa chỉ:



Không biết ngôi mộ tập thể này có liên quan tới ngôi mộ của 27 liệt sĩ cũng trên đèo Phước Tượng mà các cựu chiến binh Mỹ đang đi tìm; Thông tin này đã được báo Thừa Thiên Huế đã đưa đưa ngày 27/7/2011…

Xin nêu lại danh tính của 8 liệt sĩ mà Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ Nguyễn Cảnh Tuệ đã được thổ địa mách; danh tính của 8 liệt sĩ này đã được người chỉ huy cao nhất của 28 liệt sĩ này là Liệt sĩ Trương Văn Huy, quê ở Hưng Yên,  áp vong vào con gái Ls Nguyễn Cảnh Tuệ là Nguyễn Thị Phương Mai xác nhận:
 Nguyễn Thị Phương Mai được bố là Ls Nguyễn Cảnh Tuệ áp vong vào để chỉ huy việc tìm kiếm các liệt sĩ; Nguyễn Thị Phương Mai đang chủ trì một buổi lễ truy điệu 1 liệt sĩ quê Hải Phòng được Trung tâm Nguyễn Cảnh Tuệ giúp tìm thấy...

1/ - Liệt sĩ Trương Văn Huy áp vong lên, đã cung cấp một số thông tin cho Đoàn tìm kiếm như sau: Ls Trương Văn Huy sinh năm 1935; tất cả các liệt sĩ đã bị hành hình, hoặc bị chôn sống…Ngoài liệt sĩ Trương Văn Huy, được phép của cõi âm, Ls đã tiết lộ thêm tên tuổi của một số liệt sĩ nằm chung trong ngôi mộ. Đó là:

2/-Liệt sĩ Hồ Cảnh Việt, sinh năm 1936, quê ở Nam Hà, là người theo đạo Thiên Chúa của vùng Bùi Chu-Phát Diệm…Theo Ls Trương Văn Huy thì LS Hồ Cảnh Việt là người cực kỳ cách mạng. Ls Hồ Cảnh Việt bị chặt đầu. Ls Hồ Cảnh Việt hiện đang có người em làm Cha ở Bùi Chu-Phát Diệm...

3/-Ls Nguyễn Tường ( hoặc Trường do nghe không rõ ) Thành, là người Quảng Nam gốc, chính trị viên đại đội, sinh năm 1934; liệt sĩ này đã bị chặt đầu; đầu chôn một nơi, thân xác chôn một nơi…Bị chặt tay, khoét mắt

4/LSTrịnh Xuân Việt sinh năm 1937, người dân Yên Thành, Nghệ An “quê choa” bị cắt bộ hạ và 2 chân…

5/ Ls Nguyễn Huy Thống, sinh năm 1937, một người đẹp trai, hát hay, có lúm đồng tiền như con gái, một cán bộ tình báo nằm vùng, quê ở Can Lộc Hà Tĩnh, bị cắt lưỡi, chẻ đôi miệng do không chịu khai…

6/ Ls Ngũ Huy Phóng, quê ở Do Linh Quảng Trị bị móc ruột…

7/Ls Cao Trung Tiến quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, sinh năm 1936, bị chặt tay...

8/ Ls Vũ Anh Tuấn, sinh năm 1935 ở Phúc Sơn, Đô Lương, Nghệ An, có sẹo bên mặt vì bị thương…
 Đoàn cựu chiến binh Mỹ đang đi tìm ngôi mộ này


Các anh đang ở đâu?
Ngày cập nhật: 27/07/2011 02:20 PM(TTH)
-  Giờ này các anh, 27 liệt sĩ đặc công đang ở đâu? Gia đình và đồng đội đang trông ngóng các anh. Các anh có nghe lời nguyện cầu của người lính từng là đối nghịch, ông Jack Gerald Devine, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam: “Các bạn biết đấy, bên cạnh thông tin và thiết bị định vị, chúng tôi thực sự tin tưởng vào tấm lòng của mình và các bạn Việt Nam và có thể cả sự ủng hộ của những người đang nằm trong lòng đất giúp đỡ chúng tôi phát hiện ra hầm mộ. Giữa nơi linh thiêng này, sự hiện diện của chúng tôi và các bạn cựu chiến binh Việt Nam là một thông điệp của hoà bình”. Phải chăng, đó cũng chính là thông điệp của trái tim con người đến với con người.
Chúng tôi có mặt trên đỉnh đèo Phước Tượng, xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc vào giờ quá ngọ, ngày 20-3-2010 để chứng kiến cuộc tìm 27 mộ chiến sĩ đặc công Việt Nam hy sinh trong một trận đánh giáp la cà với một đơn vị pháo binh Mỹ năm 1969. Trận chiến được một cựu binh Mỹ, Thượng sĩ Dan Tucker, người trực tiếp tham trận có mặt hôm đó kể lại:
Năm 1969, là hạ sĩ trợ lý tham mưu của đơn vị pháo binh Mỹ đóng trên đỉnh đèo Phước Tượng. Căn cứ pháo binh của Dan Tucker được mệnh danh là Tomahawk Trung phần. Để bảo vệ căn cứ, dưới chân đèo là những đơn vị bộ binh hỗn hợp của Mỹ -quân đội Sài Gòn. 

Quá nửa đêm, ngày 19/6/1969, một lính Mỹ do đói nên đã mò xuống căn nhà nguyện dã chiến của đơn vị, nơi để dành phần lương khô của từng người kiếm cái ăn. Vừa đến nơi, hắn bất ngờ phát hiện có người. Biết là có V.C đột nhập, tên lính Mỹ quay trở lại căn cứ báo với chỉ huy và cuộc chiến trong đêm tối diễn nổ ra khốc liệt. Toàn bộ chỉ huy pháo binh trên đỉnh đèo Phước Tượng đã bị các chiến sĩ đặc công Việt Nam tiêu diệt. Dan là người có quân hàm cao nhất còn sống lúc đó, ngay lập tức nhảy lên vị trí chỉ huy.  

Trận đánh kết thúc. Hai bên đều thiệt hại rất nặng nề. 27 thi hài lính đặc công Việt Nam được phát hiện và xếp lớp trước mặt Dan. Đám lính hỏi Dan, lúc này là cấp chỉ huy cao nhất trận địa pháo Tomahawk. Dan Tucker ra lệnh đào hố ngoài hàng rào khu căn cứ làm hố chôn tập thể và tuyệt đối không lấy bất cứ thứ gì trên người của họ, trừ súng đạn. Đơn giản, đó là việc vệ sinh chiến trường.  

Không lâu sau trận Phước Tượng ấy, năm 1970, Dan Tucker trở về Mỹ. Trong suốt hơn 40 năm qua Dan đau đáu, ám ảnh về một nấm mồ tập thể của 27 chiến sĩ Việt Nam tử trận, nghĩ mình là người may mắn còn sống đến ngày nay và một lần tình cờ để ý đến những thước phim của VVA chiếu trên một kênh ti vi. Trong phim có cả những cảnh, những trích đoạn khung cảnh của chiến trường Trị Thiên Huế, kèm lời nhắn rằng nếu ai biết vị trí phần mộ hay bất kỳ dấu hiệu mất tích nào của bộ đội Việt Nam thì hãy liên lạc ngay với VVA (Hội Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam). Dan Tucker đã đến Thừa Thiên Huế với một sứ mạng tìm lại ngôi mồ tập thể này. Sau chuyến khảo sát năm 2010, Dan Tucker lâm bệnh và không trở lại đèo Phước Tượng vào ngày 3-4-2011. Tuy vậy, thông điệp hoà bình với mong muốn tìm lại hài cốt của những chiến sĩ Việt Nam được ông chôn trong một ngôi mộ tập thể được Hội Cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam do ông Jack Gerald Devine vẫn được tiếp tục .
  
Jack Gerald Devine, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam cho biết: “Cao điểm Phước Tượng là một trong 6 địa danh chúng tôi khảo sát nhằm hỗ trợ cho các bạn Việt Nam tìm lại hài cốt liệt sĩ. Đây không chỉ là hoạt động thể hiện tinh thần hợp tác, mà chúng tôi coi đây như một cuộc hành hương của lương tâm. Nỗi ám ảnh của Dan Tucker khi chưa tìm kiếm được hài cốt của những chiến binh Việt Nam vào năm ngoái là sự thôi thúc chúng tôi tình nguyện trở lại Việt Nam, trở lại đây với nỗ lực tối đa”. 

Đỉnh đèo Phước Tượng giờ đổi khác quá nhiều so với thời điểm năm 1969. Sự thay đổi địa hình địa vật cùng gánh nặng tuổi tác, sự sút giảm trí nhớ đã khiến việc xác định và khai quật 3 địa điểm tại đèo Phước Tượng cách đây hơn 1 năm không thành công. Chuyến đi này, Jack Gerald Devine và các đồng sự mang theo thiết bị định vị toạ độ tối tân nhất và kiểm chứng thông qua việc điện đàm với Dan Tucker tại Mỹ. Vạch lối, leo đèo hàng giờ đồng hồ, các cựu chiến binh của Việt Nam và Mỹ nghiêng về khả năng hầm mộ tập thể nằm ở hướng đông nam chếch đỉnh đèo khoảng 20m? 

Dưới đây là một vài hình ảnh tìm mộ


Xuyên giữa rừng đèo


Xác định tọa độ trên bản đồ quân sự

Cựu binh Mỹ Thượng sĩ Dan Tucker (người đưa tay chào theo kiểu nhà binh) đến thắp hương cho một cán bộ nguyên là chỉ huy đơn vị đặc công QK Trị Thiên tại nhà riêng ở thị trấn Phú Lộc trước lúc lên đèo Phước Tượng.

Một nén hương thơm những mong người đang nằm trong lòng đất giúp đỡ chúng tôi phát hiện ra hầm mộ
  
Tâm Hành
http://www.baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=35&NewsID=20110726091840 
-------------------------------------------------------

Những bước chân trở lại 
25/03/2010 07:38

(HNM) - Còn vài ngày nữa, ông Dan Tucker, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam tròn 70 tuổi. Trên đỉnh đèo Phước Tượng (Phú Lộc, Huế) giữa trưa nắng như chan lửa, chúng tôi cùng Dan Tucker lần theo ký ức, qua từng gốc cây, hố bom, công sự, khe nước... để tìm nơi chôn 27 chiến sỹ đặc công Việt Nam hy sinh khi tấn công trận địa pháo trên đỉnh đèo năm 1969.

Đi được một quãng, Dan Tucker dừng lại, lấy khăn thấm mồ hôi lẫn nước mắt, giọng rưng rưng: Đây là sinh nhật đáng nhớ nhất trong đời tôi. Sau hơn 40 năm sống trong nỗi day dứt khôn nguôi, đến giờ mới có dịp trở lại Việt Nam để chỉ cho các bạn nơi tôi đã cho chôn các chiến sỹ Việt Nam hy sinh. Điều này giúp xoa dịu nỗi đau của tôi, của những cựu binh Mỹ và cả người thân của các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh, xoa dịu nỗi đau của chúng ta trong quá khứ...
Ông Dan Tucker đang dò tìm trên bản đồ địa điểm chôn các liệt sỹ Việt Nam.

Nỗi đau không của riêng ai!
Trước khi lên đèo Phước Tượng, đoàn tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ do Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo huyện Phú Lộc và 5 cựu binh Mỹ do ông Dan Tucker dẫn đầu đã vào thắp hương tại nhà ông Hồ Công Lợi ở ngay dưới chân đèo. Ông Lợi nguyên là chỉ huy đơn vị đặc công đã tấn công trận địa pháo của Dan Tucker năm 1969. Ông Lợi đã mất năm 2003, bởi những căn bệnh mà "mầm" của nó bắt nguồn từ những mảnh đạn còn găm trong người ông chưa lấy ra được. 

Ông Dan Tucker cho biết: Cuối năm 2009, tôi được tiếp cận những tư liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam do Đoàn cựu chiến Mỹ (VVA) thực hiện. Qua phim tư liệu về những trận đánh ác liệt giữa quân cách mạng và quân đội Mỹ tại Thừa Thiên Huế, tôi đã liên lạc và tìm đến với VVA, tình nguyện theo đoàn sang Việt Nam, cung cấp hồ sơ, các thông tin liên quan đến trận đánh tại đèo Phước Tượng. Ông Lợi là nhân vật có trong cuốn phim, người năm 1995 đã giúp các cựu binh Mỹ tìm hài cốt của những người lính của cả hai phía.

Trong nhà ông Lợi có một tấm ảnh khá to, treo ở gian giữa ghi dòng chữ: "Du kích Lương Thị Giác, Bí thư xã, chỉ huy đội du kích đánh nhiều trận khiến Mỹ, ngụy phải kinh sợ" làm mọi người chú ý. Trong ảnh là một thiếu nữ dáng nhỏ nhắn, tay cầm khẩu AK, vai đeo dù pháo sáng, khuôn mặt đầy nữ tính pha trộn với những nét từng trải đến độ gai góc của một người chỉ huy dày dạn qua mưa bom, bão đạn, đôi mắt sáng và nhìn thẳng như sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, không gì có thể làm chùn bước. Chị Giác - O du kích nhỏ xã Lương Lộc năm xưa là vợ chiến sỹ đặc công Hồ Công Lợi. Anh chị quen nhau qua các trận đánh. Chị là dân quân xã, thường xuyên dẫn đường cho các đơn vị đặc công về đánh cứ điểm, chi khu. Một lần anh Lợi bị thương nặng, không thể đưa lên rừng, đơn vị "gửi" lại xã chăm sóc. Chị Giác hằng ngày thay rửa vết thương, chăm lo cho anh. Thế rồi như chị nói, "bị đặc công “tập kích” lúc nào không biết"...

Bà Giác ôm đứa cháu nội, cười hiền hậu, kể chuyện chiến đấu ngày trước cho những người từng ở bên kia chiến tuyến, họ cứ tròn mắt mà nghe. Ra thế, cô du kích chỉ huy "đám việt cộng nữ" xuất quỷ, nhập thần, có lúc súng ống cọc cạch mà dám cả gan "choảng" nhau với thủy quân lục chiến Mỹ ngay trên quốc lộ, giữa ban ngày... từng bao phen làm đối phương điêu đứng, là đây sao?

- Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng hằng ngày, chúng tôi vẫn đón tiếp các gia đình từ khắp các địa phương trong cả nước chưa tìm được mộ con em mình hy sinh tại chiến trường Trị Thiên - Huế, đến nhờ chúng tôi tìm giúp - Bà Giác chậm rãi nói. Chồng tôi kể, những trận đánh trên đèo Phước Tượng rất ác liệt, anh em hy sinh nhiều, trong số đó, đa phần chưa xác định được nơi chôn cất. Những năm gần đây, gia đình tôi và các anh em ở địa phương cũng đã tìm được hài cốt nhiều liệt sỹ, nhưng trên đèo còn nhiều lắm. Lần này các ông từ Mỹ sang, giúp chúng tôi tìm lại đồng đội, thật đáng quý vô cùng. Thay mặt những gia đình chưa tìm được người thân hy sinh, tôi chân thành cảm ơn các ông!

- Số lượng người chết trận của hai bên có khác nhau, nhưng nỗi đau đều không đong đếm được - Dan Tucker xúc động nói. Những người còn sót lại tìm ngày một khó khăn hơn, nhưng với sự nỗ lực của cả hai phía, tôi tin chúng ta sẽ tìm được nhiều hơn. Cầu mong Chúa cho tôi hôm nay có trí nhớ tốt, để tôi chỉ đúng chỗ cách đây hơn 40 năm tôi đã chôn các chiến sỹ Việt Nam.

Các anh giờ nằm đâu?
Đèo Phước Tượng nằm cạnh Quốc lộ 1A. Nhìn qua tấm ảnh mà ông Dan Tucker cầm theo thì trong những năm chiến tranh, đây là quả đồi trọc, cây cối đã bị bom phát quang dọn sạch. Trên đỉnh đèo có căn cứ pháo binh Tomahawk.

- Chúng tôi bố trí 6 khẩu pháo 155 ly, từ đây có thể kiểm soát tuyến đường 1 đoạn từ Phước Tượng tới Lăng Cô và toàn bộ huyện lỵ Phú Lộc. Do nằm ở vị trí yết hầu, nên trận địa pháo thường xuyên được sự "chăm sóc" của đặc công Việt Nam - Dan Tucker kể. Có ngày chúng tôi bị quân giải phóng phá hỏng 4 khẩu, phải gọi trực thăng chuyển pháo mới từ Đà Nẵng ra. Tôi được điều ra thị sát trận địa pháo đúng vào ngày bộ đội Việt Nam đánh dữ dội, người chỉ huy trận địa pháo phía chúng tôi chết. Tôi là sỹ quan có cấp bậc cao nhất lúc bấy giờ nên được cử làm chỉ huy. Sau trận đánh đêm 18, rạng sáng 19-6-1969, chúng tôi thu gom được xác của 27 chiến sỹ Việt Nam. Có người đề nghị tôi nên chôn gần hố rác cho tiện, đỡ phải đào bới, vì đây là vùng đất đá, rất khó đào. Tôi không đồng ý và yêu cầu phải đào một hố to, đủ sâu, chôn các chiến sỹ của Việt Nam xuống đó. Tôi không cho ai động vào bất cứ vật gì có trên người các chiến sỹ. 
O du kích Lương Thị Giác lúc trẻ và bà Giác hôm nay. Ảnh: Tâm Hành

Đèo Phước Tượng bây giờ đã khác xưa, đồi trọc đã thành rừng. Dan Tucker đề nghị cho được leo lên đỉnh đồi, nơi có sân bay trực thăng thả quân, để từ đó ông đi bộ xuống và hình dung dần ra nơi bố trí trận địa, kho vũ khí... và nơi chôn các chiến sỹ. Mới cuối tháng ba mà nắng như đổ lửa. Leo một quãng, chúng tôi lại phải nghỉ. Một người dân ở Phú Lộc được "tăng viện" đến giúp chúng tôi. Đó là ông Lưu Bình Phúc - người đã giúp Đoàn cựu binh Mỹ năm 1995 lên đèo Phước Tượng tìm hài cốt các quân nhân Mỹ. Ông Phúc mang theo rất nhiều ảnh của chuyến đi tìm lần đó. Ông Phúc còn khoe, mới tìm được một thẻ bài của lính Mỹ, thẻ ghi: KETCHEY. BOBBY R. RAI 8743784. A. B. Ông Dan Tucker xin ghi lại số thẻ để về tra lai lịch người lính. Trên đường leo lên đỉnh đèo chúng tôi cũng nhặt được khá nhiều mảnh mìn sát thương, vỏ đạn, dao, dĩa, cúc áo... của lính Mỹ trước đây. 

Có sự trợ giúp tận tình của ông Phúc, chúng tôi dễ dàng tìm ra vị trí sân bay trực thăng, nơi bố trí các khẩu pháo, kho đạn... ngày xưa. Thế nhưng, quá trưa mà vẫn chưa tìm được đâu là nơi chôn các chiến sỹ. Dưới tán hoa sim đang nở tím đến nhức mắt kia chăng? Hay dưới gốc cây cổ thụ đã đổ mục? Và ngay dưới khe nước cỏ cao quá đầu người này nữa?... Các anh đang nằm nơi đâu? Không phải đợi đến khi có người Mỹ quay lại chỉ chỗ, ta mới tổ chức tìm kiếm, mà trước đó, ở đèo Phước Tượng này, chúng ta cũng đã tổ chức bao đợt tìm những điểm được cho là có chôn các liệt sỹ. Hầu hết các địa phương trong cả nước đều có các đơn vị quy tập mộ liệt sỹ. Bởi, vẫn còn biết bao liệt sỹ nằm lại các chiến trường? Còn bao bà mẹ, người vợ, thân nhân các anh đang ngày đêm mòn mỏi ngóng trông trong nước mắt được đón các anh về cố hương.

Theo chúng tôi được biết, kể từ năm 1993, đại diện tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA) đã sang Việt Nam và bắt đầu chương trình "Sáng kiến Cựu chiến binh" (VITF). Qua đó, họ thu thập thông tin, tài liệu, bản đồ... liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến đấu để giúp Việt Nam tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Cho đến nay, VVA đã cung cấp thông tin liên quan đến 9.100 bộ đội hy sinh, giúp quy tập hài cốt khoảng 980 liệt sỹ. Ông Jack Devine, Phó Chủ tịch VVA cho biết: "Chúng tôi liên lạc với tất cả các hội viên, hỏi về các trận chiến họ đã tham dự, tìm hiểu xem họ còn giữ được các nhật ký, những bức ảnh, thông tin về các binh lính phía Việt Nam hy sinh hay không? Có rất nhiều trường hợp chúng tôi thu được thông tin chính xác về các mộ chí. Các di vật thu được sau đó sẽ được chuyển lại cho gia đình các liệt sỹ". Sự hợp tác của các cựu chiến binh Mỹ, trong đó có ông Dan Tucker thật đáng trân trọng!

Thay lời kết
Cuối cùng, sau gần 5 giờ tìm kiếm trong nắng nóng, Dan Tucker đã xác định được nơi đã chôn 27 chiến sỹ của ta, ông đã trao lại toàn bộ tài liệu liên quan để các đơn vị của ta tiến hành công tác quy tập hài cốt liệt sỹ. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cảm động nói: Tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều cựu chiến binh Mỹ như ông Dan Tucker trở lại Việt Nam để cùng với Chính phủ và nhân dân Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sỹ bộ đội Việt Nam đã hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Mong rằng thời gian tới VVA sẽ tiếp tục có những hoạt động phối hợp với Việt Nam nhằm tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam và cả những binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Cả một vùng đồi rộng, cây cối um tùm ngay lập tức được phát quang. Chắc là chỉ ít ngày nữa thôi, các đơn vị quy tập hài cốt liệt sỹ sẽ được huy động để thực hiện công việc tại địa điểm đã được xác định. Những nén hương trầm được thắp lên. Một phút mặc niệm. Chúng tôi cứ để nước mắt tự tuôn trào lẫn với mồ hôi trong nắng nóng miền Trung. Dưới đám cỏ cây vô tri kia là các anh sao? Hơn 40 năm lạnh lẽo ai hay? Mấy ngày nữa thôi, các anh sẽ được về trong vòng tay của người thân. Và nỗi đau sau chiến tranh của nhiều gia đình sẽ được xoa dịu phần nào...

Anh Tuấn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét