Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

BẤT THƯỜNG VỤ CHẾ LINH

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đau lòng, tủi hổ vì bầu Tiến

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc tâm sự với báo chí: “Tôi đau lòng, đau buồn, tủi hổ vì những bầu show chây ì tiền tác quyền như ông bầu Hoàng Tiến”.


Sở cũng còn chịu thua thì...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương thường rất kiệm lời, kể cả trong những cuộc đông vui nhất ông cũng hay giữ vẻ mặt trầm ngâm suy nghĩ, thế nhưng trong cuộc gặp gỡ với báo chí về “tình hình thời sự tác quyền âm nhạc”, ông đột nhiên trở thành một người đàn ông “lắm lời” hơn quá mức bình thường.

Ông bầu Hoàng Tiến (ngoài cùng bên trái) trao quà từ thiện với tư cách Ban tổ chức trong chương trình “Liveshow ca sĩ Chế Linh” tại Hà Nội ngày 12.11.

Trong suốt cuộc trò chuyện, có phóng viên đã đếm được ông dùng tới không dưới 20 lần những từ “đau lòng”, “đau buồn”, “tủi hổ”, “bẽ bàng”... khi nói về việc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc phải đi “xin xỏ” những ông bầu show trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ - việc mà họ đáng lẽ đương nhiên được hưởng khi viết nên các tác phẩm âm nhạc.

Riêng với vụ việc nổi cộm trong những ngày gần đây là liveshow ca sĩ Chế Linh, nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ: “Tôi cảm thấy bị chà đạp, bị dày xéo, bị khinh thường, nhưng mà vụ này Sở VH-TT-DL cũng còn chịu thua thì cái Trung tâm này làm gì nổi?”

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Ngay sau khi biết tin đêm ca nhạc Chế Linh đổi nhà tổ chức biểu diễn và được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép vào ngày 12.11 tại Hà Nội, tôi đã gọi điện thoại ngay cho ông Nông Xuân Ái - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tác quyền. Ông này cũng không phải người xa lạ với tôi, là anh em bạn hữu thôi.

Thế nhưng mãi 18 giờ 30 phút ngày 12.11, sát nút giờ mở màn đêm diễn, ông Ái mới đến Trung tâm, trình ra cái giấy ủy quyền của Công ty Quyên Gia Bình mà người ký là bà Yến - vợ ông bầu Hoàng Tiến”. Cuối cùng thì thỏa thuận về tác quyền của đêm diễn cũng không đạt được, bên Trung tâm đưa ra giá hơn 90 triệu đồng (là 5% của tổng số giá vé của 50% số ghế trong đêm diễn) nhưng ông Nông Xuân Ái chỉ đưa ra mức 3 triệu đồng (300.000/bài cho 10 ca khúc trong chương trình sau khi trừ những ca khúc của tác giả Tú Nhi - tức ca sĩ Chế Linh).

Theo Nghị định Số 61/NĐ-CP về chế độ nhuận bút đã quy định, mỗi chương trình phải dành ra từ 15 đến 21% doanh thu để trả tiền cho các tác giả (nhạc sĩ, người phối khí, người biên đạo, người biên kịch, họa sĩ trang trí), chính vì thế Trung tâm đã đưa ra một mức khá mềm là 5% của 50% số vé của đêm diễn, thế nhưng đại diện nhà tổ chức vẫn cương quyết nói không.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Tiền tác quyền căn cứ vào quy mô kinh doanh của đêm diễn, nếu là chương trình chỉ thu về 100 triệu đồng, tiền tác quyền chỉ là 5 triệu đồng, nhưng chương trình thu về 4 tỷ đồng như chương trình của ông bầu Tiến tổ chức, tiền tác quyền cũng phải có tỷ lệ hợp lý với con số ấy”.

Trăm cách để trốn tiền tác quyền

Cho đến nay, theo thông tin từ Trung tâm, ông bầu Hoàng Tiến vẫn còn nợ tiền tác quyền của những chương trình: liveshow ca sĩ Quang Lê - Minh Tuyết tại Cung Văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng) vào ngày 9.3.2011, cũng chương trình này tại Đà Nẵng ngày 12.3.2011 và Cung Văn hóa Hà Nội vào ngày 13.7.2011, chương trình “Qua cơn mê” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vào ngày 30.7.2011 tại Hà Nội.

Còn chương trình mới nhất liveshow ca sĩ Chế Linh vào ngày 12.11 tại Hà Nội, đối tượng “chây ì” lại có tên mới, đó là Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và Công ty TNHH tổ chức sự kiện Quyên Gia Bình.

Đại diện Trung tâm cho biết: “Họ (bầu show - PV) thường có một chiêu bài là sát giờ diễn mới đến thỏa thuận với Trung tâm, đưa ra một cái giá không thể chấp nhận nổi, rồi ra về và tuyên bố là không thỏa thuận được về tác quyền. Chết nỗi, cơ quan quản lý văn hóa là Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH-TT-DL các địa phương đã cấp phép cho họ, thì sợ gì mà họ không tổ chức chương trình?

Bình luận về quyết định tái cấp phép cho đêm diễn của ca sĩ Chế Linh vào ngày 12.11 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thiếu nghiêm túc trong việc thực thi luật pháp nói chung và quyền tác giả nói riêng”.

Nên chuyện “thỏa thuận tác quyền” chỉ là một cách làm phép cho vui thế thôi, các tác giả - chủ sở hữu của những bài hát được biểu diễn véo von trong chương trình đành bó tay bất lực và đau khổ ngậm ngùi vì chẳng được hưởng một chút tiền tác quyền nào từ việc người ta thản nhiên kinh doanh sản phẩm trí tuệ của họ”.

Bà Thanh Thủy - luật sư của Trung tâm cho biết: “Từ đầu năm 2011 đến nay, chúng tôi thống kê được có gần 400 buổi biểu diễn được Cục Nghệ thuật biểu diễn và các Sở VH-TT-DL địa phương cấp phép, trong đó chỉ có 42 buổi thực hiện quyền tác giả, nghĩa là được các tác giả cho phép, còn lại 90% là vi phạm bản quyền mà vẫn được biểu diễn, không cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý.

Điều đó cho thấy tình hình thực thi Luật Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam đang kém đến như thế nào. Trong khi đó, show diễn của ban nhạc quốc tế Westlife tại Hà Nội đã thực hiện tác quyền nghiêm chỉnh, điều đó đánh giá sự văn minh của những nghệ sĩ biểu diễn và những nhà tổ chức biểu diễn chân chính”.

Sẽ còn nhiều “bầu Tiến”

Trong đêm diễn 12.11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội của ca sĩ Chế Linh, dù trước đó, ông Tiến đã tuyên bố “Không còn liên quan gì đến chương trình này” nhưng vẫn ngang nhiên xuất hiện trên sân khấu với tư cách Ban tổ chức để trao quà từ thiện, ông còn hứa hẹn với khán giả sẽ tổ chức tiếp một show diễn nữa của ca sĩ Chế Linh tại Nhà hát Lớn vào ngày 23.11.

Có mặt trong buổi biểu diễn đó, ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn trao đổi phóng viên báo chí: “Chương trình tốt, không có vi phạm gì”. Điều này quả thật là khó hiểu với khán giả. Hoặc là ông Biên có một “quan điểm mới lạ” trong việc quyết tâm cứu liveshow của ca sĩ Chế Linh khỏi quyết định rút giấy phép của Sở VH-TT-DL hoặc là ông Biên cố tình không nhận ra sự phi lý, ngang nhiên, trắng trợn trong việc “lách luật” của nhà tổ chức show diễn này.

Khi bị báo chí chất vấn về việc tái cấp phép cho show diễn quá nhiều vi phạm này, ông Biên cho biết: “Sau ngày 12.11, sẽ không thiếu gì cách để xử ông bầu Tiến”, nhưng sẽ xử thế nào đây khi trước một động thái “lươn lẹo”, “lách luật” trắng trợn đến thế mà ông lại đánh giá là “Không có sai phạm gì”.

Sự chồng chéo trong quy định về cấp phép khi cả Cục Nghệ thuật biểu diễn và các Sở VH-TT-DL đều được cấp phép tổ chức chương trình, Sở VH-TT-DL địa phương này lại cấp phép cho nhà tổ chức biểu diễn chương trình ở địa phương khác và cả cách “xử lý sự cố” như trò đùa của các cơ quan quản lý qua vụ việc cụ thể về chương trình của ca sĩ Chế Linh sẽ khiến cho các ông bầu show rồi đây sẽ có cách hành xử như ông bầu Hoàng Tiến.


Theo Dân Việt

Bất thường trong sô Chế Linh đêm 12-11, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội: Không thể tưởng tượng nổi

Sô diễn của Chế Linh, vì đâu thoát hiểm?

TP - Sở VHTT&DL hủy sô diễn của Chế Linh vì những vi phạm của nhà tổ chức, còn Bộ VHTT&DL lại bật đèn xanh. Có khúc mắc gì ở đây?
Hình ảnh tại cuộc họp báo đêm diễn đầu tiên của Chế Linh 21-10. Ảnh: N.M.Hà
Hình ảnh tại cuộc họp báo đêm diễn đầu tiên của Chế Linh 21-10. Ảnh: N.M.Hà.

3 ngày 2 quyết định trái ngược

Trong cuộc họp báo ở Sở VHTT&DL Hà Nội hôm 7-11, có phóng viên hỏi: “Giả sử đêm 12-11 tới, chương trình Chế Linh vẫn cứ diễn ra thì sao”, hẳn có người cho là hỏi cắc cớ. Đã hủy thì còn diễn vào đâu? Ông Phạm Quang Long- Giám đốc Sở trả lời đại ý, tình huống đó đã có các cơ quan có trách nhiệm giám sát - trong đó có công an, cứ chiểu theo pháp luật mà làm.
Thực tế diễn ra đúng như giả thiết “cắc cớ” kia! Chỉ hai ngày sau cuộc họp thông báo quyết định mạnh mẽ của Sở, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cấp phép cho Live show Chế Linh ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia như dự kiến. Chỉ có điều, đơn vị tổ chức đã thay đổi: Không còn là Công ty TNHH Bích Ngọc - đơn vị sai phạm dẫn đến bị rút phép, mà là một cơ quan thuộc Bộ VHTT&DL: Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, phối hợp Công ty TNHH Quyên Gia Bình (giấy phép của Cục ghi nhầm là Quyên Gia Đình).

Theo luật, Cục hoàn toàn có quyền cấp phép cho một đơn vị được biểu diễn trên địa bàn Hà Nội, nhưng phải có Giấy tiếp nhận biểu diễn do Sở cấp thì mới được phép biểu diễn. Thế nhưng, giấy phép của Cục ký ngày 9-11 mà lúc 15h chiều 10-11, ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở cho biết, chưa hề có đơn vị nào đến làm việc với Sở về giấy tiếp nhận này! Hỏi cảm giác của ông về quyết định của Cục thì ông gần như không muốn bình luận.

Và những chuyện khó hiểu khác

Kể cả khi thông tin sô diễn Chế Linh bị hủy đang nóng nhất, bộ phận bán vé vẫn bán vé như thường, quảng cáo giăng đầy đường, khán giả được trấn an “không có gì thay đổi”, báo chí cũng được ông bầu khẳng định như đinh đóng cột “đêm diễn chắc chắn diễn ra”. Nếu ai dám nghi ngờ điều này thì bây giờ đã có câu trả lời!

Ngoài một nhà hát ở Việt Bắc, thì Quyên Gia Bình là ai mà trong chốc lát lật ngược tình thế, xoay xỏa được tấm giấy phép - không thể nói là không gây ngỡ ngàng cho tất cả!

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Phòng Quản lý Biểu diễn và Băng đĩa - Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói, ông cũng không biết gì nhiều về Quyên Gia Bình mà chỉ biết về Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc thuộc Bộ. Ông chỉ căn cứ vào hồ sơ, thấy công ty có chức năng tổ chức sự kiện, hợp lệ thì phải cấp phép.

Ông cũng cho biết đêm Chế Linh sắp tới “về cơ bản giống với hôm 21-10, chỉ cho phép hát thêm vài bài hát cho phong phú hơn. Ca sĩ khách mời và kịch bản vẫn vậy”.

Ông Nhân và ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng mục đích của việc cấp phép vội vàng này là: Vì quyền lợi của khán giả, vì nghệ sĩ, mà nghệ sĩ này lại là người dân tộc Chăm - “cuộc đoàn kết dân tộc này quan trọng lắm, có thể nói là có ý nghĩa toàn cầu”.
Khi hủy Giấy tiếp nhận biểu diễn, Giám đốc Sở từng lường đến khả năng nhà tổ chức “lươn lẹo” lách luật bằng cách để cho đơn vị khác đứng tên, và nếu phát hiện ra điều này, ông sẽ không cấp phép. Báo chí nhìn chung đồng tình với quan điểm “nhà tổ chức sai thì phạt, chứ ca sĩ có vấn đề gì đâu” tuy nhiên vẫn không khỏi bất ngờ, khó hiểu trước sự xoay chuyển thần kỳ trong phút chốc này.
Và mặc dù tên của nhà tổ chức đã thay đổi, có báo đưa tin trưa 10-11 một số phóng viên đến Cục Nghệ thuật Biểu diễn vẫn gặp ca sĩ Chế Linh đi cùng ông bầu Hoàng Tiến- người bị Sở xử lý sai phạm tới 4 lần và vừa bị rút phép xong.

Ông Vương Duy Biên thừa nhận chuyện này chưa từng có ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Phải chăng có khúc mắc gì? Hỏi ông Biên: “Cục ra quyết định như vậy, dù là việc cực chẳng đã đi nữa, nói khí không phải, có bỉ mặt Sở quá chăng”, ông đáp: “Tôi với anh Long (giám đốc Sở - PV) phối hợp với nhau vui vẻ ấy mà”. Nếu vui vẻ, hẳn Sở không phải gửi một công văn có thể nói là khẩn cấp, vào chiều mùng 10 đến các cơ quan thuộc Chính phủ và cả Bộ Công an, có đoạn:

“Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính hiệu lực trong công tác quản lý Nhà nước, Sở VHTT&DL Hà Nội kính đề nghị Bộ VHTT&DL chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp với các cơ quan đơn vị của thành phố Hà Nội, để có những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa những diễn biến phức tạp có thể xảy ra đối với khán giả mua vé xem biểu diễn.

Đặc biệt đề nghị công an và cơ quan truyền thông phối hợp để thông tin đến quần chúng nhân dân và kiên quyết ngăn chặn không để đơn vị tiếp tục vi phạm tổ chức biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình tối 12-11”.

Tú Quyên

Bất thường trong sô Chế Linh đêm 12-11, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội:
Không thể tưởng tượng nổi

TP - Đánh giá Live show Chế Linh ở Mỹ Đình tối 12-11, ông Vương Duy Biên- Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói với báo chí: “Tốt, không sai phạm gì”.
Còn Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Phạm Quang Long nói, ông “bất ngờ” về sự bất thường của nó.
Ông Phạm Quang Long: “Cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan trong sô Chế Linh thứ hai ở Hà Nội”. Ảnh: Phúc Nghệ
Ông Phạm Quang Long: “Cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan trong sô Chế Linh thứ hai ở Hà Nội”. Ảnh: Phúc Nghệ.

Ông nói ông bất ngờ khi ông Hoàng Tiến, người bị Sở cấm tổ chức chương trình Chế Linh ít nhất 6 tháng tới do những sai phạm của mình, lại xuất hiện trong đêm diễn 12-11 với tư cách nhà tổ chức?

Tôi hết sức bất ngờ, bất ngờ đến mức dù tôi hay tưởng tượng nhưng cũng không thể hình dung ra những sự việc như vậy.

Trả lời báo giới, ông Cục trưởng Cục NTBD có giải thích hành động vỗ mặt Sở vừa qua là để “cứu Chế Linh chứ không phải cứu bầu Tiến” - cho nên mới giữ nguyên kịch bản chương trình, thời gian, địa điểm, vân vân- so với sô bị hủy. Theo ông, có cách nào để “cứu” nghệ sĩ mà lại đỡ vụng về hơn không?

Tôi có thống nhất quan điểm xử lý vụ này với anh Vương Duy Biên là chúng ta xử lý những sai phạm của công ty Bích Ngọc theo đúng quy định, còn với ca sỹ, tôi chưa có ý kiến nào gây khó khăn cho anh ấy cả. Nhà báo thấy đấy, ngay cả khi có nhà báo đề nghị Sở xử lý Chế Linh vì hát những bài ngoài giấy phép trong đêm diễn đầu tiên ở Hà Nội, tôi đã nói rằng những bài ấy dù không có trong chương trình nhưng được phép hát và không gây hậu quả gì nên không cần phải xử lý.
Những người cố tình đánh tráo đối tượng nói rằng Sở cấm Chế Linh biểu diễn là xuyên tạc sự thực. Họ nên xem xét lại động cơ của việc tung tin này. Cả trong Thông cáo báo chí lẫn trả lời các nhà báo hôm họp báo đều không có nội dung ấy.

Tôi không bình luận về chuyện vụng hay không của chuyện này vì bản chất của nó đã bộc lộ ra hết rồi, còn gì không rõ nữa mà phải bình luận, làm sáng tỏ ra?

Dư luận đã đặt dấu hỏi ngay từ khi nhà tổ chức xoay được giấy phép đứng tên Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc và công ty Quyên Gia Bình. Nhưng những gì mà họ chứng kiến trong đêm 12-11 vừa qua thì hình như không phải màn kịch vụng về mà là sự cố ý?

Đúng là họ thách thức cả quy định của nhà nước, của cơ quan quản lý ngành. Tôi cho rằng không chỉ là sự thách thức mà cần xem xét trách nhiệm của những cá nhân và tổ chức liên quan trong việc sao lại để xảy ra chuyện đó?

Trong đêm diễn, ngoài cảm ơn các vị lãnh đạo cao cấp dù những vị này không có mặt, ông bầu của Chế Linh còn tuyên bố sô Chế Linh sẽ diễn tiếp đêm 23-11 tới ở Nhà hát Lớn, “mời khán giả đặt mua vé theo số điện thoại cũ” (số điện thoại đã bán vé từ đêm đầu tiên 21-10). Như vậy có khả năng Chế Linh sẽ diễn ròng rã ở Hà Nội 6 tháng tới, trái ngược hẳn với lệnh của Sở “nếu vẫn nhà tổ chức đó, ít nhất 6 tháng tới Chế Linh không được cấp phép”?

Nếu vẫn bầu Tiến, vẫn nhà tổ chức đó thì chắc chắn không cấp phép.

Trước hôm họp báo, ông Hoàng Tiến đề nghị tôi cho ông ấy được lấy danh nghĩa một công ty khác mà ông ấy thường đứng ra làm người tổ chức để làm chương trình Chế Linh 12-11. Tôi trả lời dứt khoát là không vì như thế là lừa dối khán giả.

Hôm họp báo cũng có nhà báo nêu câu hỏi đúng như điều ông Tiến nói hôm trước. Nhà báo nói ông Tiến hoặc đại gia nào đó có 4-5 công ty, công ty này không được thì họ sử dụng công ty khác và hỏi quan điểm của tôi. Tôi nói mấy lần là bất kỳ công ty nào khác mà ông Tiến đã cộng tác, đã bị xử lý đều không được cho phép vì như thế là “làm xiếc” với xã hội.

Tôi còn nói nếu ca sỹ muốn mời những công ty đủ năng lực, nghiêm túc thì chúng tôi sẽ ủng hộ. Không biết tôi nói thế đã rõ ràng chưa? Nói khác đi là cố tình hiểu sai điều tôi nói.

Còn nếu ai đó cố tình cấp phép cho các đơn vị đã vi phạm thì tôi miễn bình luận rồi.

Trong thư gửi khán giả trước đêm diễn vừa qua, Chế Linh viết: “Tôi rất lấy làm tiếc về tin tức rút giấy phép “Live show Chế Linh”, cấm tôi trình diễn vào 12-11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia và trong 6 tháng tại Thủ đô. Cuối cùng, trời không phụ lòng tôi và khán giả mến mộ”. Có lẽ thế lực tác động được vào chuyện này không phải là trời nhưng cũng “siêu”. Còn ông có bình luận gì không?

Tôi không có gì để bình luận, nhưng ca sỹ nên nói cho đúng quyết định của Sở. Chưa bao giờ Sở cấm Chế Linh biểu diễn đêm 12-11 và cấm diễn 6 tháng ở Hà Nội. Những gì chưa rõ nên hỏi Sở, đừng nên “nghe” thông tin sai lệch vì điều đó không đem lại lợi ích cho ai. Tôi biết những ngày đó, ca sỹ vẫn ở Hà Nội, sao không hỏi cơ quan chức năng cho rõ? Người ta nói “tam sao thất bản”, đó là chuyện xảy ra với mọi người nên cần kiểm tra.

Ông từng phát biểu giọng Chế Linh “hiếm, đáng để hát ở đây lắm”. Nhưng chương trình của anh lại gắn với một xì căng đan chưa từng có trước nay. Theo ông, phải làm thế nào để lập lại cân bằng trong kỷ cương, trật tự xã hội và các qui định của Nhà nước? Có người đã nói ông yếm thế, bất lực thông qua vụ này?

Đúng, tôi nghe một số bài Chế Linh hát, cả những bài đang hát và cả những bài chưa được cấp phép hát ở đất nước ta. Tôi nghe vì công việc và tôi thấy giọng ca có chất lượng.

Chiều nay 15-11, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam họp báo về thời sự bản quyền tác giả âm nhạc trong đó có sai phạm của chương trình Chế Linh trong việc thực hiện tác quyền.
 
Tôi từng nói “tiếc cho Chế Linh” vì khi về Hà Nội biểu diễn lại dựa vào một đơn vị tổ chức vừa yếu về năng lực, vừa thiếu nghiêm chỉnh về tổ chức hành nghề. Được hay mất qua việc này, tôi chắc ca sỹ đã có cách đánh giá của mình, miễn cho tôi việc bình luận. Nếu tôi phải đi đâu, làm một việc gì đó, không bao giờ tôi dựa vào những đơn vị và con người có thể gây khó khăn cho tôi để thực hiện ước nguyện của mình.

Nói giản dị, tôi đến một nơi mới, tôi phải xem thái độ của chủ nhà, của người đón mình là ai chứ không bao giờ lại bỏ qua những chuyện đó cả. Đó là lẽ phải thông thường trong cách ứng xử.
Tôi không bất lực ở việc này nhưng có thể bất lực ở việc khác, đó cũng là lẽ thường. Ai mà lúc nào cũng tự tin với công việc của mình được? Còn yếm thế ư? Chắc không. Tôi nghĩ câu chuyện “ tái ông thất mã” vẫn còn mãi với nhân loại vì cuộc đời vẫn thường tồn tại những chuyện như vậy. Có gì phải thất vọng hay đắc ý vì việc này hay việc kia đâu? Có thể lừa dối được trăm người, không thể lừa dối được vạn người; có thể lừa dối được mười năm, không thể lừa dối được trăm năm. Không biết tôi nghĩ thế có gì sai không?

Bất thường thế nào?
Bức ảnh tố cáo nhà tổ chức thực sự của live show Chế Linh 12-11 ở Mỹ Đình: Ông Hoàng Tiến, người đứng ngoài cùng bên trái trao tặng “quà của ban tổ chức”
Bức ảnh tố cáo nhà tổ chức thực sự của live show Chế Linh 12-11 ở Mỹ Đình: Ông Hoàng Tiến, người đứng ngoài cùng bên trái trao tặng “quà của ban tổ chức”.
 
Cần nhắc lại diễn tiến quanh sô diễn Chế Linh để bạn đọc dễ hình dung:
Ngày 7-11, Sở VHTT&DL Hà Nội họp báo tái khẳng định hủy Giấy tiếp nhận biểu diễn dẫn đến hủy sô diễn thứ hai của ca sĩ Chế Linh vào tối 12-11 ở Mỹ Đình, do những sai phạm liên tục, kéo dài của công ty tổ chức và ông bầu.

Tuy nhiên, cửa thoát hiểm đã mở khi Cục NTBD quyết định đứng ra cấp phép, với điều kiện mà Cục cho biết là đã thỏa thuận với Sở: Không để đơn vị vi phạm kia làm đêm diễn nữa, thay vào đó là một đơn vị thuộc Bộ, phối hợp với một công ty tư nhân.

Cần nói rằng, dù cố “cứu”, Bộ VHTT&DL phải thừa nhận việc xử phạt là đúng. Tuy vậy, với hành động tréo ngoe này, ngay cả mục đích tốt đẹp mà họ đưa ra: “vì nghệ sĩ”, “vì khán giả” cũng đang bị dư luận đặt dấu hỏi. Thiết tưởng sau đấy phải kín kẽ hơn mới phải.

Cuối cùng, điều kỳ lạ lại xảy đến trong đêm 12-11: Vẫn lại ông bầu kia xuất hiện với tư cách nhà tổ chức- nào lên sân khấu tặng quà; điều hành hậu trường trước sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả và báo giới; nào hẹn gặp lại tại live show Chế Linh- Nhà hát Lớn 23-11 tới, vân vân.

Vừa qua, khán giả Hà Nội cũng như báo chí đều tỏ ra ưu ái ca sĩ Chế Linh, dành sự nồng hậu cho đêm diễn của anh. Với bước ngoặt xung quanh tấm giấy phép, có thể có người nói: “Vẽ chuyện, cấm với đoán, mà rồi có làm được đâu”!?

Trong số phản hồi bài Sô diễn của Chế Linh vì đâu thoát hiểm (TP315 ra ngày 11-11), bạn đọc Thiên Thanh (thienhason2009@yahoo.com) viết: “Đây là kinh nghiệm mới cho các sô diễn tương tự? Việc khó đã mở, đi mãi thành đường. Những người làm chương trình này đã quá tự tin để bán vé và quảng cáo, họ chắc chắn đã có lối đi khác. Các nhà quản lý của ta tài thật!”.

Sự bất thường trong một đêm nhạc tưởng như bình thường đến nay không còn là câu chuyện của Chế Linh hay ông bầu nào đó, không còn là chuyện Sở nọ Cục kia. Dư luận chờ đợi lời giải thích của Bộ VHTT&DL về sự bất thường này.

Dũng Hiếu
 Nguồn: Tienphong.vn

--------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét