Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

TIÊN LÃNG : ĐÊM TRƯỚC NGÀY CƯỠNG CHẾ - CHUYÊN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Thảm cảnh của gia đình ông Vươn, ông Quý sau buổi cưỡng chế cứ ám ảnh tôi suốt những ngày Tết Nhâm Thìn. Tôi luôn nghĩ điều gì đã diễn ra trong ngôi nhà ông Vươn vào cái đêm trước khi bị cưỡng chế?

Họ không ngủ được? Ai mà ngủ được vào cái đêm chuẩn bị cho cái chết, chuẩn bị cho một trận chiến mà bất luận thế nào, họ cũng là người thua trận. Là người có học thức, từng đi bộ đội, hẳn anh Vươn hiểu rất rõ những việc mình làm sẽ gây hậu quả cho bản thân anh và gia đình như thế nào.


Thảm cảnh của gia đình ông Vươn hiện nay.


Việc làm của họ đã được xác định từ trước. Chị Thương kể: “Tôi không biết cụ thể chồng tôi và chú Quý sẽ làm gì, nhưng thấy hai anh em trao đổi với nhau, nét mặt căng thẳng, giằng xé lắm...”.

Cũng đúng thôi. Không giằng xé sao được? Đó là lúc họ phải lựa chọn ai, anh hay em sẽ ở lại, sẽ là người bấm nút kích nổ liều chết... Tôi cứ tưởng tượng ra câu chuyện như thế. Họ còn nói với nhau điều gì được, ngoài việc “phân công” ai sống, ai chết, mà theo cách gọi của tố tụng hình sự thì đó là bàn bạc nhau để phân công thực hiện hành vi phạm tội? Hai người phụ nữ được “phân công” nhiệm vụ “phải sống” nên đã bị đuổi về làng “để còn sống mà nuôi con”- chị Thương kể.

Thực tế cũng đã diễn ra như thế, gần giống những gì tôi tưởng tượng. Khi mà đoàn cưỡng chế tấn công vào thì Quý và những người “ở lại” đã cho nổ mìn. Hay họ chỉ gây tiếng nổ để dọa đoàn cưỡng chế nhỉ? Sau tiếng mìn nổ, nếu không ai tiến vào thì họ có nổ súng không nhỉ? Ừ. Thế thì đã không có chuyện 6 người bị thương, để rồi tội danh giết người được xác lập.

Những người đi cưỡng chế đã quyết tâm thực thi nhiệm vụ, sẵn sàng xông thẳng vào nơi nguy hiểm. Để làm gì không biết nhỉ? Cho đến nay, chưa ai lý giải thấu đáo được câu hỏi này. Riêng tôi, chỉ có hai cách lý giải: Hoặc họ non kém nghiệp vụ, hoặc họ có động cơ khác, cần phải lấy lại đầm của ông Vươn bằng được.

Lại nghĩ ông Vươn, ông Quý sao không lựa chọn cách khác? Họ là ai? Là người lao động chăm chỉ, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận đương đầu với khó khăn, sóng gió để chinh phục biển cả. Họ không phải côn đồ hung hãn, có dòng máu lạnh, sẵn sàng xả súng vào người khác.

Và tôi cũng tự bảo mình: Không phải họ không lựa chọn biện pháp khác. Nhiều năm trời họ đã kiên trì theo đuổi các biện pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp. Suốt từ năm 2004, Đoàn Văn Vươn đã liên tục viết hàng loạt đơn gửi tất cả các cấp, thậm chí ngay đến sát ngày bị bắt, ngay trong buổi sáng khi đoàn tiến hành cưỡng chế, Vươn vẫn đôn đáo đem đơn đi kêu cứu khắp nơi. UBND huyện đã tổ chức đối thoại 8 lần. Thế nhưng, cả 8 lần, cán bộ huyện chỉ muốn áp đặt, bắt buộc người dân phải bàn giao vô điều kiện toàn bộ vùng đầm.

Anh Vươn thì quá cảnh giác, cứ muốn một tay ký biên bản bàn giao (để thực hiện quyết định thu hồi của huyện), tay kia phải được nhận bản hợp đồng cho thuê đất. Họ cảnh giác vì họ mất lòng tin. Người dân ở đây đã bị chính quyền lừa không chỉ một lần.

Khi Tòa án thành phố giúp hai bên tự thỏa thuận, đại diện UBND huyện hứa nếu anh Vươn rút đơn thì huyện sẽ cho thuê đất, nhưng khi người dân rút đơn kháng cáo cũng có nghĩa là bản án sơ thẩm có hiệu lực và huyện tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi. Họ cảnh giác vì trước đó, một chủ đầm khác đã nghe lời hứa, bàn giao rồi sẽ được đấu thầu lại, theo hướng dẫn của xã, ký biên bản bàn giao đất, thế là mất luôn.

Trước ông Vươn, gia đình ông Lê Đình Thảo ở xã Tiên Thắng cũng lâm vào cảnh tương tự. Được giao hơn 70ha đất bãi bồi ven sông Văn Úc, bỏ công bỏ của, chồng ngày đêm ngoài bãi, vợ vác rá đi vay gạo khắp làng trên xóm dưới để nuôi nhân công đắp đê chống bão.

Một vùng đất màu mỡ được hình thành, ông Thảo được sử dụng 15% để cấy lúa 1 vụ, được sử dụng toàn bộ diện tích để nuôi trồng thủy sản với thời hạn 12 năm, tính từ ngày giao đất 19.6.1992 đến 16.9.2004 thì hết hạn. Đến hạn, UBND huyện cũng ra quyết định thu hồi mà không tính toán bồi thường một xu.
Khi gia đình ông Thảo gửi đơn lên thành phố, Sở TNMT lúc đó căn cứ Luật Đất đai đã có văn bản khẳng định khi hết hạn, nếu gia đình ông Thảo có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì được ưu tiên cho thuê đất. Nếu gia đình ông Thảo không có nhu cầu thuê đất thì phải tiến hành kiểm kê tài sản trên đất và xác định giá trị còn lại của các công trình làm cơ sở để thanh lý hợp đồng giao đất hoặc đền bù giá trị còn lại trên đất.

Thế nhưng, một văn bản đúng luật này đã không được UBND huyện Tiên Lãng thực hiện. Sau đó, ông Lê Đình Thảo đã phải kiện ra Tòa hành chính từ cấp huyện đến TAND Tối cao. Cả 3 cấp xét xử đều khẳng định quyết định thu hồi đất không bồi thường của huyện là đúng.
Hai lần Viện KSND Tối cao có văn bản kháng nghị đối với bản án phúc thẩm thì cả hai lần đều bị TAND Tối cao và Hội đồng giám đốc thẩm bác bỏ. Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng đã được thực thi bởi một quyết định cưỡng chế. Không có tiếng mìn nổ. Không có tiếng súng. Cả nhà ông Thảo kiên nhẫn đứng nhìn vụ việc với hy vọng còn có thể mang đơn đi kêu cứu. Vẫn tin rằng kháng nghị của Viện KSND Tối cao sẽ còn được chấp nhận.

Vụ cưỡng chế được coi là thành công tốt đẹp. Hàng nghìn người của 4 xã trong vùng và cả người dân huyện Kiến Thụy được dịp đi bắt cá hôi, vì chính quyền “tháo khoán” đầm nhà ông Thảo. Cho đến tận hôm nay, khi vụ việc nhà ông Vươn bùng nổ, lãnh đạo huyện Tiên Lãng vẫn sử dụng tài liệu của vụ kiện nhà ông Thảo làm minh chứng cho việc làm “đúng pháp luật” của mình và được lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng lấy làm “bảo bối” để trả lời báo chí.

Nhưng - vẫn lại nhưng, có một hậu quả đau lòng mà các lãnh đạo Hải Phòng hẳn chưa biết là gần một năm sau cuộc cưỡng chế đó, ông Lê Đình Thảo, từ một chủ đầm cao lớn, khỏe mạnh, vì “của đau con xót”, vì vẫn gửi đơn từ đi khắp nơi nhưng không nhận được hồi âm, mà đổ bệnh rồi chết ở tuổi 55 còn sung mãn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét